Sau phiên bùng nổ cuối tuần trước, thị trường tiếp tục diễn biến tích cực trong phiên đầu tuần với thanh khoản cải thiện. PNJ tăng trần lập đỉnh trong bối cảnh giá vàng lên cao và tình hình kinh doanh khả quan.
PNJ “tỏa sáng” trong phiên giao dịch 19/8.
Kết phiên 19/8, VN-Index tăng hơn 9 điểm so với kết phiên cuối tuần trước, lên mốc 1.261,62 điểm. HNX-Index và UPCoM đều tăng nhẹ. Tổng giá trị giao dịch trên kênh khớp lệnh đạt hơn 17.000 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại chiếm hơn 2.500 tỷ đồng và bán ròng hơn 300 tỷ đồng.
Trong tuần trước, khối ngoại mua ròng liên tiếp 4 phiên đầu tuần và quay đầu bán ròng trong phiên cuối tuần. Tính chung, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 1.088 tỷ đồng trên toàn thị trường.
VNM là mã được khối ngoại mua ròng mạnh nhất phiên hôm nay, với giá trị 138 tỷ đồng; kế đến là CTG và GAS trên 36 tỷ đồng; PC1, STB 20 tỷ đồng; DPM 18 tỷ đồng… Chiều bán ròng dẫn đầu là VHM với giá trị 78 tỷ đồng. HPG cũng bị bán ròng hơn 70 tỷ đồng. Danh sách còn có TCB 50 tỷ đồng, HSG 43 tỷ đồng; HDB, SSI, FPT, CSV trên 30 tỷ đồng…
Không chỉ nhận được lực cầu từ khối ngoại, VNM còn thu hút dòng vốn nội và trở thành mã tăng mạnh nhất trong VN30. Cổ phiếu của Vinamilk về lại mức giá 76.000 đồng/cp, cao nhất kể từ tháng 9/2023. Chỉ từ cuối tháng 7/2024 đến nay, mã đã tăng 11 giá – tương ứng 17%.
VNM diễn biến tích cực sau khi doanh nghiệp sữa báo quý 2/2024 đạt mức doanh thu quý kỷ lục. Biên lợi nhuận gộp cũng cải thiện giúp lợi nhuận tăng gần 21% so với quý 2/2023, đồng thời là quý thứ ba liên tiếp duy trì mức tăng trưởng trên 15%.
Các bluechip có mức tăng đáng kể khác là SAB +2,7%, TCB +2,1%, GAS +2,3%, VIB +1,7%, BVH +1,3%, STB +1%… Chiều giảm có FPT, HDB, PLX, SSI, với mức giảm dưới 1%. VIC, VJC, VRE, TPB, SHB, SSB, MBB, MWG đứng tham chiếu.
Tại nhóm ngân hàng, chiều tăng ngoài TCB, VIB, STB như đã kể trên thì còn có EIB +3%, LPB +2,1%, VAB +2,2%, ABB +1,3%, VBB +1%; các mã tăng khác dưới 1%. Chiều giảm có BVB, HDB, NAB, PGB, với mức giảm nhẹ.
Nhóm chứng khoán có HAC tăng trần, AGR +3,1%, AAS +2,8%, BMS +2,4%, CSI +3,2%, DSC +2,8%, VDS +3,2%, WSS +2%, TCI +1,1%; APG, VIX, IVS, HBS, CTS tăng nhẹ. Các mã lớn hầu hết đều ở chiều giảm, với SHS -1,9%, VCI -1,1%; SSI, VND và HCM giảm nhẹ.
Nhóm bất động sản cũng phân hóa. Chiều tăng có VHM, PDR, DXG, NVL, IDC, NTL, CEO, BCM, NLG, KOS, SIP, KHG… Trong đó, DXG tăng tốt nhất với tỷ lệ 3,6%, về lại giá 14.600 đồng/cp. Vài phiên trở lại đây, cổ phiếu của Tập đoàn Đất Xanh nhận được lực cầu lớn.
Chiều giảm trong nhóm có DIG, TCH, SJS, VPI, KDH, TIG, TDC, IJC, LDG… tuy nhiên mức giảm đều không đáng kể. Nhiều mã đứng tham chiếu như VIC, VRE, HDG, KBC, DTD, BCR…
Nhóm thép tiếp tục hồi phục sau đợt giảm vừa qua, với HPG +1%, HSG +1,5%, NKG +2,4%, VGS +1,7%, TVN +7,5%, GDA +1,9%…
Tại các nhóm ngành khác, đáng chú ý là PNJ tăng trần lên giá 104.900 đồng/cp, vượt đỉnh lịch sử. Khối lượng khớp lệnh đạt 4,9 triệu đơn vị, vượt qua phiên cao nhất lịch sử trước đó là 4,3 triệu đơn vị; giá trị giao dịch tương ứng đạt 514 tỷ đồng. Kết phiên, PNJ vẫn còn 1,7 triệu đơn vị được kê mua giá trần nhưng chưa có người sẵn sàng bán.
Cổ phiếu PNJ tăng vọt trong bối cảnh giá vàng thế giới vừa thiết lập mức đỉnh lịch sử trong tuần trước (lần đầu tiên vượt ngưỡng 2.500 USD/ounce) và có thể sẽ còn tiếp tục tăng nữa trong thời gian tới khi thời điểm dự kiến Fed hạ lãi suất đang đến gần.
6 tháng đầu năm 2024, PNJ ghi nhận doanh thu 21.113 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.167 tỷ đồng, lần lượt tăng 34% và 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức lợi nhuận 6 tháng đầu năm cao nhất mà doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đá quý này ghi nhận kể từ khi hoạt động.
Một điểm tích cực khác trong bức tranh tài chính của PNJ là số dư nợ vay đã giảm kỷ lục. Tính đến cuối tháng 6/2024, nợ vay của PNJ chỉ còn dưới 250 tỷ đồng, giảm từ mức 2.100 tỷ đồng của đầu năm. Tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu cũng giảm xuống chỉ còn 2,3%, mức thấp nhất từ khi doanh nghiệp niêm yết trên sàn.
Phạm Ngọc
Nguồn: https://mekongasean.vn/vn-index-tiep-da-hoi-phuc-pnj-tang-tran-vuot-dinh-32554.html