Trang chủ Giá Vàng Vì sao mua vàng, vì sao giữ tiền?

Vì sao mua vàng, vì sao giữ tiền?

4
0
Rate this post

Thị trường vàng tại Việt Nam luôn là một trong những quan tâm hàng đầu của người dân và Nhà nước. Các biến động, nhất là biểu hiện chênh lệch bất thường so với giá vàng thế giới, đã tác động trực tiếp vào đời sống kinh tế, thói quen tiêu dùng, xu hướng đầu tư trong xã hội.
Tòa soạn Người Đô Thị đặt ra những câu hỏi liên quan đến vai trò của vàng trong nền kinh tế lẫn văn hóa Việt Nam để có được những kiến giải từ TS. Nguyễn Nhật Minh (Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam).

Ông Minh nói: Vàng đóng vai trò tương đối đặc biệt trong nền kinh tế cũng như văn hóa đời sống của người Việt Nam. Chúng ta không chỉ coi vàng là tài sản quý giá mà không ít người tin rằng vàng mang một ý nghĩa về mặt tâm linh, phong thủy. Chúng ta thấy vàng thường xuất hiện trong các dịp lễ tết, cưới xin, sự kiện quan trọng. Người ta trao vàng cho nhau như một món quà quý mang biểu tượng cho sự tin cậy, trân trọng.

Có lẽ ông đang muốn đề cập vai trò tổng thể của vàng ở Việt Nam liên quan các yếu tố kinh tế, văn hóa. Bên cạnh đó theo dòng lịch sử, chiến tranh loạn lạc, rồi các chính sách của Nhà nước qua các thời kỳ cũng góp phần hình thành thói quen “kiên định” giữ vàng của người dân?

TS. Nguyễn Nhật Minh.

Vâng, trải qua nhiều thay đổi của các thời kỳ lịch sử, ngoài biểu tượng cho giàu có, quyền lực và may mắn, người dân Việt Nam còn xem vàng là nơi dự trữ an toàn, giúp họ vượt qua những giai đoạn khó khăn của biến động chính trị – xã hội. Mặc dù hiện nay nền kinh tế đã phát triển, hệ thống tài chính cũng hoàn thiện hơn nhưng vàng vẫn giữ vai trò quan trọng trong mục tiêu bảo toàn tài sản và là kênh đầu tư an toàn.

Nhiều người quan niệm trong nhà lúc nào cũng phải có vàng. Điều đó thể hiện một quan niệm từ xa xưa, hình thành qua nhiều thế hệ, rằng vàng không phải chỉ là một loại tài sản, nó còn là một phần không thể thiếu của đời sống văn hóa, kinh tế, công cụ bảo vệ tài sản, kênh giữ tài sản hữu dụng và ổn định kinh tế xuất phát từ dân.

Trong chiến tranh, giặc giã, bất ổn về kinh tế… người dân buộc phải tìm kiếm những giải pháp an toàn cho mình, thì vàng đã tham gia hệ thống tiền tệ, tức có khả năng trao đổi. Khi đó, thậm chí vàng được coi là một đơn vị tiền tệ đáng tin cậy so với giấy bạc. Do tính thanh khoản cao, vàng dễ dàng chuyển đổi và giao dịch giúp người dân bảo vệ tài sản khỏi rủi ro về lạm phát. Việc chuyển đổi từ nắm tiền sang vàng hay ngược lại, chính là phản ứng tự nhiên của người dân.

Giai đoạn trước 1975, chúng ta thường nghe nói vai trò của vàng trong bảo chứng giá trị đồng tiền, có người hay nhắc đến khái niệm “kim bản vị” (gold standard). Đó là một ví dụ vàng từng đóng vai trò hết sức quan trọng trong hệ thống tiền tệ quốc tế, đặc biệt từ thế kỷ XIX đến XX, dưới chế độ kim bản vị, các quốc gia định giá đồng tiền của mình theo khối lượng vàng cố định. Giá trị của tiền tệ được bảo đảm trực tiếp bằng vàng, cho phép tự do chuyển đổi giữa vàng và tiền tệ, điều này có nghĩa chế độ kim bản vị giúp duy trì sự ổn định. Như ổn định về tỷ giá hối đoái, kiềm chế lạm phát vì lượng tiền lưu thông sẽ được kiểm soát chặt chẽ bởi dự trữ vàng của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, chế độ kim bản vị cũng có những hạn chế. Nó có thể làm cho các quốc gia gặp khó khăn trong điều chỉnh chính sách tiền tệ linh hoạt hơn để đối phó với các cú sốc kinh tế.

TS. Nguyễn Nhật Minh hiện là giảng viên ngành kinh doanh trên ứng dụng blockchain, thuộc Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam. Ông đạt học vị tiến sĩ chuyên ngành quản trị kinh doanh. Chuyên môn của ông trải rộng nhiều lĩnh vực, bao gồm hành vi an toàn thông tin, khởi nghiệp, công nghệ giáo dục, quản lý chuỗi cung ứng và tài chính. Trong sự nghiệp nghiên cứu, TS. Nguyễn Nhật Minh đã có những đóng góp đáng kể về nghiên cứu và xuất bản nhiều bài báo quốc tế về tài chính.

Ngày nay, vàng không còn được sử dụng làm tiền tệ trực tiếp trong giao dịch hàng ngày mà chủ yếu được xem như một loại tài sản. Nhưng vàng vẫn giữ vai trò lớn trong hệ thống tài chính toàn cầu và là một tài sản dự trữ chiến lược. Nhiều ngân hàng trung ương vẫn đang giữ vàng trong dự trữ ngoại hối. Trong các cuộc xung đột Ukraine – Nga, Israel – Hamas chẳng hạn, vàng trở nên nổi bật hơn, giúp bảo vệ giá trị tài sản các nhà đầu tư khi có sự mất giá của tiền.

Một lần nữa, nhờ tính thanh khoản cao, vàng cũng là một trong những công cụ đa dạng hóa danh mục của các quỹ đầu tư, giảm thiểu các rủi ro tổng thể. Trong khủng hoảng kinh tế, vàng còn có thể được sử dụng như một phương tiện thanh toán dự phòng. Thế nên dù không đóng vai trò trực tiếp trong hệ thống tiền tệ hàng ngày như trước nhưng vàng vẫn giữ một vị trí rất đặc biệt trong nền kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam.

Hiện thị trường vàng ở Việt Nam khá biến động, đặc biệt tình trạng chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước so với thế giới, có thời điểm gần 20 triệu đồng. Qua phân tích nguyên nhân, theo ông, liệu vàng có đang trở thành nơi “an trú” không bình yên?

Giá vàng ở Việt Nam có những biến động rất mạnh mẽ vì chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau, cả trong nước lẫn ngoài nước. Ở khía cạnh quốc tế, một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến biến động giá vàng ở Việt Nam đó là vì chúng ta đang có một nền kinh tế mở, giá vàng trong nước thường phản ánh giá vàng thế giới. Các biến động trên thị trường quốc tế, ví dụ chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương, đơn cử Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) chẳng hạn, hoặc tình hình kinh tế toàn cầu, các sự kiện về chính trị… đều có tác động trực tiếp đến giá vàng Việt Nam.

Ngoài các yếu tố trên, giá vàng tại Việt Nam trong thời gian qua diễn biến bất thường do một số yếu tố khác. Có thể kể đến như biến động tỷ giá hối đoái. USD tăng thì giá vàng trong nước thường cũng tăng do vàng được định giá theo USD và khi VNĐ tăng giá, giá vàng sẽ có xu hướng giảm đi. Tỷ giá hối đoái bị ảnh hưởng bởi chính sách về tiền tệ, cán cân thương mại và dòng vốn đầu tư nước ngoài. Lạm phát cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến giá vàng ở Việt Nam. Lạm phát cao người dân thường tìm đến các biện pháp bảo vệ giá trị tài sản. Vàng là chọn lựa tốt nhất hiện nay. Từ đó làm cho nhu cầu mua vàng tăng, đẩy giá vàng lên cao.

Giá vàng ở Việt Nam có những biến động rất mạnh mẽ vì chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau, cả trong nước lẫn ngoài nước.

Các chính sách tiền tệ và tài chính của Nhà nước cũng ảnh hưởng nhất định đến giá vàng. Đó có thể là các biện pháp điều chỉnh lãi suất, kiểm soát nguồn cung của tiền, các chính sách về thuế đối với vàng. Ví dụ khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất, đầu tư vào vàng có thể giảm do lúc này lãi suất tiền gửi và các kênh đầu tư khác trở nên hấp dẫn hơn. Ngược lại, khi lãi suất giảm, vàng trở thành kênh đầu tư hấp dẫn. Ngoài ra cũng phải kể đến yếu tố văn hóa mà tôi đã đề cập, khiến hình thành tâm lý, thói quen coi vàng là tài sản an toàn, có giá trị bền vững trong dài hạn của người Việt Nam, góp phần cho giá vàng biến động.

Vậy đối với các nhà đầu tư, hiểu rõ các yếu tố trên sẽ giúp họ đưa ra quyết định hợp lý trong việc tích trữ vàng và xem nó còn là nơi “an trú” nữa hay không.

Vừa rồi, Nhà nước đưa ra chính sách, hay đúng hơn là biện pháp để “bình ổn giá vàng”. Ông đánh giá các mệnh lệnh hành chánh như thế có đạt được mục tiêu không?

Theo tôi, chính sách liên quan thị trường vàng vừa qua đã làm được một trong các mục tiêu hàng đầu Nhà nước đề ra. Đó là bình ổn giá vàng, tránh tình trạng vàng tăng phi mã so với quốc tế. Nhưng mặt khác, để đánh giá các ảnh hưởng trực tiếp cũng như các ảnh hưởng tiềm năng khác của chính sách này, cần phải có cái nhìn dài hạn hơn so với những gì chúng ta thấy hiện nay. Tôi lấy ví dụ như việc ấn định giá vàng. Nó có lợi ích nhất định khi giúp Nhà nước kiểm soát thị trường vàng tốt hơn, tránh tình trạng đầu cơ, thao túng giá. Nó cũng có thể giúp ổn định kinh tế trong thời kỳ biến động mạnh, hoặc giúp ngăn chặn lạm phát.

Tuy nhiên, nó cũng sẽ gây ra một số hạn chế nhất định. Việc ấn định giá vàng sẽ khiến cho giao dịch không phản ánh đúng giá trị thị trường, dẫn đến tình trạng tạo ra thị trường chợ đen, phát sinh các hoạt động giao dịch không chính thức và có thể làm mất đi tính cạnh tranh hoặc gây khó khăn trong việc dự báo đầu tư. Tốt hơn, từ góc độ quản lý Nhà nước, các chính sách về vàng nên hướng tới sự cân bằng kiểm soát và tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường phát triển. Ví dụ Nhà nước có thể tăng cường minh bạch trong giao dịch vàng, bao gồm công khai thông tin về cung – cầu, điều chỉnh giá cả linh hoạt hơn, phản ánh sát diễn biến thị trường quốc tế và kéo giảm chênh lệch quá lớn giữa thị trường trong nước và quốc tế.

Việc không có kênh mua lại vàng chính thức có thể dẫn đến sự phát triển của thị trường tự do và chợ đen.

TS. Nguyễn Nhật Minh

Chính sách nên làm là khuyến khích cạnh tranh, tạo điều kiện cho mọi doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia thị trường vàng một cách công bằng để giảm thiểu các rào cản về hành chính, giám sát chặt chẽ hơn và duy trì các biện pháp kiểm tra thường xuyên để ngăn chặn tình trạng đầu cơ, thao túng giá.

Về tác động của chính sách bán vàng hiện nay của Nhà nước thông qua các ngân hàng lớn mà không thực hiện việc mua lại, đây là một quyết định chiến lược nhằm kiểm soát và ổn định thị trường vàng trong bối cảnh giá vàng quốc tế và nhu cầu trong nước có nhiều biến động. Có 2 mục tiêu quan trọng trong quyết định này, là ổn định giá vàng và kiểm soát đầu cơ. Đầu tiên, quyết định bán vàng qua các ngân hàng lớn nhằm tăng cung vàng trên thị trường, giảm bớt áp lực tăng giá vàng trong nước. Điều này có thể giúp giảm lạm phát và duy trì sự ổn định kinh tế trong ngắn hạn. Thứ hai, việc bán vàng thông qua các kênh chính thức như ngân hàng giúp giảm thiểu tình trạng đầu cơ, đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong giao dịch vàng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp chân chính.

Trong ngắn hạn, chúng ta có thể thấy được hiệu quả từ phương pháp này là việc giá vàng nhanh chóng được bình ổn. Khi Nhà nước bán vàng thông qua các kênh chính thức, giá vàng có thể được kiểm soát và ổn định hơn. Điều này giúp giảm tình trạng đầu cơ và bảo vệ người tiêu dùng khỏi các biến động giá quá lớn.

Tuy nhiên nó cũng tạo ra một số hệ lụy nhất định. Có thể kể đến tình trạng vàng hai giá: giá vàng SJC trên thị trường và giá vàng bán ra từ các ngân hàng, Công ty SJC. Bên cạnh đó, việc bán vàng miếng SJC qua các ngân hàng chỉ áp dụng ở Hà Nội và TP.HCM, khiến người dân ở địa phương khác gặp khó khăn hơn khi tiếp cận. Vì vậy, chính sách bán vàng qua các ngân hàng lớn của Nhà nước có thể tạo ra tâm lý khan hiếm hoặc cơ hội, thúc đẩy người dân xếp hàng dài để mua vàng. Việc Nhà nước bán vàng nhưng không mua lại có thể tạo tâm lý lo ngại về việc không thể mua vàng trong tương lai, dẫn đến tình trạng xếp hàng.

Ngoài ra, các ngân hàng hiện cũng chỉ bán ra chứ không mua lại vàng. Có thể giải thích cho quyết định này, đó là vì chủ trương của Nhà nước là ổn định giá vàng thông qua hoạt động can thiệp một chiều, chứ không tạo ra môi trường mua bán hai chiều. Nhiệm vụ của các ngân hàng không phải là mua bán, mà là nhiệm vụ phân phối để bình ổn thị trường theo giá Nhà nước.

Người dân xếp hàng mua vàng trước cửa Ngân hàng Vietcombank số 11 Láng Hạ – Hà Nội giữa tháng 6.2024. Ảnh: PNM

Bên cạnh các lợi ích về việc bình ổn thị trường vàng, quyết định chỉ bán mà không mua lại vàng có thể làm giảm tính thanh khoản của thị trường. Khi người dân và nhà đầu tư mua vàng nhưng không có kênh chính thức để bán lại, họ có thể gặp khó khăn trong việc chuyển đổi vàng thành tiền mặt khi cần thiết. Điều này có thể làm giảm tính hấp dẫn của vàng như một công cụ đầu tư, vì nhà đầu tư cần sự linh hoạt trong việc mua và bán tài sản của mình.

Việc không có kênh mua lại vàng chính thức có thể dẫn đến sự phát triển của thị trường tự do và chợ đen. Người dân có thể tìm đến các kênh không chính thức để bán vàng, dẫn đến tình trạng giá vàng trên thị trường chợ đen có thể chênh lệch lớn so với giá chính thức. Bên cạnh đó, khi người dân không có kênh chính thức để bán lại vàng, họ có thể có xu hướng tích trữ vàng lâu dài hơn thay vì đưa vào lưu thông. Điều này có thể làm giảm lượng vàng lưu thông trên thị trường, dẫn đến tình trạng cung cầu mất cân bằng và giá vàng có thể biến động mạnh hơn. Hệ quả là không chỉ làm giảm tính minh bạch mà còn tăng nguy cơ gian lận và các hoạt động bất hợp pháp. Đây là các mối quan ngại tiềm năng trong tương lai mà ngân hàng Nhà nước cần quan tâm.

Theo ông, Nhà nước cần có thêm những chính sách như thế nào để ứng xử tích cực với vàng và các biện pháp thế nào giúp lành mạnh hóa thị trường vàng?

Thật ra, chỉ cần minh bạch nhiều thông tin đầu tư, tăng cường giáo dục tài chính cho người dân, doanh nghiệp… là đã giúp họ hiểu rõ hơn các rủi ro, lợi ích của kênh muốn đầu tư. Từ đó, dân chúng có thể tự đưa ra quyết định đầu tư hợp lý. Quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng, hình thức hợp đồng vàng tương lai (GC) là các giải pháp mang lại tính thanh khoản cao cho vàng.

ETF giúp người dân, nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận hơn mà không cần phải sở hữu vàng vật chất. Điều này có thể làm giảm áp lực lên thị trường vàng vật chất để giúp ổn định giá vàng. Hợp đồng tương lai cũng là kênh đầu tư khác về vàng. Việc triển khai hợp đồng tương lai giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp bảo vệ được giá trị tài sản trước biến động giá vàng. Nó giảm thiểu các rủi ro tài chính nên thị trường hợp đồng tương lai có thể hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hai điều vừa nêu là giải pháp giúp tính thanh khoản tốt và ổn định giá vàng trong ngắn hạn.

Còn về dài hạn, chúng ta cần nghĩ đến những biện pháp, như đa dạng hóa hệ thống tài chính, phải nâng cao hiểu biết về tài chính như đã nói, đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ tài chính nhằm giúp người dân có nhiều lựa chọn kênh đầu tư hơn. Từ đó, người dân sẽ giảm phụ thuộc vào vàng sau khi được nâng cao hiểu biết về tài chính thông qua các chương trình giáo dục truyền thông. Đồng thời, chương trình sẽ giúp người dân đưa ra quyết định đầu tư thông minh hơn.

Ông có thể cho các dẫn chứng cụ thể ở các nước về các sản phẩm tài chính liên quan đến vàng như ETF, hợp đồng vàng tương lai… để bạn đọc dễ hình dung?

Về ETF vàng hiện có SPDR Gold Shares (mã chứng khoán GLD) là một trong những ETF vàng phổ biến nhất thế giới. ETF này được thiết kế để theo dõi giá vàng vật chất và mỗi cổ phiếu GLD đại diện cho một lượng vàng nhất định. Nhà đầu tư có thể mua và bán GLD trên các sàn giao dịch chứng khoán như cổ phiếu thông thường. Quỹ nắm giữ vàng vật chất trong các kho lưu trữ an toàn và giá trị của quỹ phản ánh giá trị của lượng vàng mà quỹ nắm giữ. Nếu giá vàng tăng, giá cổ phiếu GLD cũng tăng theo, giúp nhà đầu tư thu lợi từ sự tăng giá của vàng.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nhiều nhà đầu tư đã tìm kiếm các tài sản an toàn để bảo vệ giá trị tài sản của mình. ETF vàng, đặc biệt là GLD, đã trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu. Và thực tế vào năm đó, khi thị trường chứng khoán sụp đổ và nhiều loại tài sản khác mất giá trị, GLD đã tăng giá trị đáng kể. Giá vàng trên thế giới tăng từ 730 USD vào tháng 10.2008 lên đến 1.300 USD trong tháng 10.2010.

Về hợp đồng vàng tương lai, chúng ta có COMEX Gold Futures. Lấy sự kiện thực tế cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Trong suốt thời gian đó, giá vàng đã biến động mạnh do những lo ngại về tính bất ổn chính trị và kinh tế. Hợp đồng vàng tương lai trên sàn COMEX đã trở thành công cụ quan trọng cho các nhà đầu tư muốn bảo vệ tài sản của mình. Trước và sau ngày bầu cử, giá vàng tăng mạnh khi các nhà đầu tư đổ xô mua vàng. Ngay sau khi Donald Trump giành chiến thắng, giá vàng tăng đột ngột do lo ngại về những chính sách kinh tế không chắc chắn. Tuy nhiên, trong những tuần sau đó, giá vàng được điều chỉnh lại khi thị trường dần ổn định. Trong bối cảnh này, ví dụ một nhà đầu tư mua hợp đồng vàng tương lai vào tháng 10.2016 với giá khoảng 1.250 USD/ounce; sau bầu cử, khi giá vàng tăng lên trên 1.300 USD/ounce, họ có thể bán hợp đồng để thu lợi nhuận lớn.

ETF vàng và hợp đồng vàng tương lai là hai công cụ tài chính quan trọng giúp nhà đầu tư bảo vệ và tăng trưởng tài sản trong bối cảnh thị trường biến động. ETF vàng như GLD cung cấp tính thanh khoản cao và sự tiện lợi. Trong khi hợp đồng vàng tương lai như COMEX Gold Futures cho phép nhà đầu tư đặt cược vào sự biến động của giá vàng và bảo vệ tài sản trước những biến động không lường trước. Các sự kiện thực tế như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 cho thấy sự quan trọng của các công cụ này trong việc bảo vệ tài sản của nhà đầu tư.

Như vậy có thể nói, việc ổn định thị trường vàng một cách đúng đắn là phải đi theo hướng mở rộng, đa dạng hóa, minh bạch các kênh đầu tư khác, nhất là sản phẩm đầu tư tài chính. Kiểm soát vàng cũng được hiểu làm thế nào để tiền đồng của Việt Nam thật sự mạnh, tức nền kinh tế mạnh, sẽ giải quyết tất cả bất cập, không chỉ riêng với vàng?

Các yêu cầu mà câu hỏi đưa ra cần sự hợp tác giữa các cơ quan Chính phủ, tổ chức tài chính và cả các tổ chức giáo dục. Lợi ích mang lại sẽ là một nền kinh tế ổn định và đa dạng. Việc chúng ta có thể làm là sao cho tiền đồng Việt Nam mạnh lên và ổn định. Đấy là yếu tố quan trọng để giúp nền kinh tế phát triển bền vững. Khi VNĐ mạnh lên thì sự phụ thuộc vào vàng sẽ giảm đi. Nó giúp thị trường vàng ổn định hơn, đồng thời việc một tiền đồng mạnh còn giúp thu hút đầu tư nước ngoài, tăng trưởng kinh tế và cải thiện đáng kể đời sống người dân. Quá trình này cần thời gian và sự kiên nhẫn, trước khi mang lại lợi ích to lớn.

Quốc Ngọc thực hiện

Nguồn: https://nguoidothi.net.vn/vi-sao-mua-vang-vi-sao-giu-tien-44214.html

Bài trướcGiá vàng miếng SJC tiếp tục giữ mức 76,98 triệu đồng/lượng
Bài tiếp theoGiá vàng nhẫn sắp ngang bằng vàng miếng SJC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây