Đang ở ‘thế dưới’ khi thường xuyên rẻ hơn vàng miếng rất nhiều nhưng gần đây, giá vàng nhẫn bỗng chốc tăng liên tục và đắt nhất thị trường hiện nay.
Thời gian gần đây, giá vàng nhẫn liên tục tăng, tại nhiều thời điểm đã vượt giá vàng miếng SJC. Tính đến cuối ngày 12/7, giá vàng miếng cao nhất ở mức 76,98 triệu đồng/lượng (giá bán) còn giá vàng nhẫn ở mức 77,15 triệu đồng/lượng. Đáng nói là thời gian trước, giá vàng nhẫn luôn “dưới trướng” giá vàng miếng SJC, có giai đoạn thấp hơn tới chục triệu đồng/lượng.
Phân tích về nguyên nhân của hiện tượng này, các chuyên gia nhận định, giá vàng nhẫn đang chịu tác động từ việc giá thế giới tăng mạnh, ngoài ra còn do yếu tố tâm lý, sự kỳ vọng của người tiêu dùng và tác động từ các chính sách trong nước.
Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giá vàng trong nước đang biến đổi cùng chiếu với giá vàng thế giới. Tuy nhiên, do được Ngân hàng Nhà nước bình ổn nên giá vàng miếng hiện không biến động, còn giá vàng nhẫn sẽ giảm nếu giá thế giới đi xuống và tăng nếu giá thế giới đi lên. Trong suốt gần một thập kỷ qua (2014 – 2023), giá vàng nhẫn vẫn luôn ổn định và bám sát giá vàng thế giới hơn vàng SJC.
Trước những tín hiệu tích cực từ nền kinh tế Mỹ, giá vàng thế giới phiên gần đây đã tăng lên trên 2.400 USD/ounce. Điều này tạo tác động, đẩy giá vàng nhẫn trong nước vượt 77 triệu đồng/lượng. “Trong khi giá vàng miếng SJC đang được Ngân hàng Nhà nước điều tiết, giữ ở mức 76,98 triệu đồng/lượng thì việc giá vàng nhẫn vượt giá vàng miếng SJC là điều dễ hiểu”, ông Thịnh nói.
Tuy nhiên, ông Thịnh nhận định rằng, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã nhập về số lượng vàng nhiều hơn nhu cầu dự kiến của thị trường trong nước để sản xuất vàng miếng SJC. Vì thế, khi giá vàng thế giới tăng lên, dự trữ vẫn còn nên giá vàng miếng không tăng. Nhưng nếu giá vàng thế giới tiếp tục tăng mạnh trong một thời gian dài, giá vàng miếng SJC rất có thể cũng sẽ được điều chỉnh theo chiều hướng tăng theo. Lúc đó, khoảng cách giữa giá vàng nhẫn và vàng miếng nhiều khả năng sẽ thay đổi.
Giá vàng nhẫn tăng liên tục, hiện cao hơn giá vàng miếng SJC.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam phân tích, giá vàng nhẫn trong nước biến động theo giá thế giới. “Sau khi Mỹ công bố số liệu CPI khá lạc quan, giá vàng đã tăng vượt 2.400 USD/ounce. Vàng thế giới tăng giá nên vàng nhẫn tăng giá theo. Trong khi đó, vàng miếng SJC neo ở mức 76,98 triệu đồng/lượng do đang được thực hiện bình ổn giá. Vì thế giá vàng nhẫn tăng cao hơn giá vàng miếng”, ông nói.
Giá vàng thế giới vẫn đang trong xu hướng đi lên. Theo dự đoán của các chuyên gia quốc tế, trong quý IV/2024, giá vàng có thể tăng vượt mức 2.500 USD/ounce. Theo ông Hùng, nếu tỷ giá trong nước vẫn giữ ổn định thì giá vàng nhẫn trong nước sẽ tiếp tục tăng.
Ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch Hiệp hội vàng cho rằng giá vàng nhẫn tăng liên tục trong những ngày gần đây là bình thường, do giá vàng thế giới đang tăng cao. “Vấn đề quan trọng nhất mà Chính phủ đặt mục tiêu là đưa giá vàng SJC tương đương với giá vàng quốc tế. Hiện mức chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế khoảng dưới 5 triệu/lượng, giảm rất nhiều so với mức chênh gần 20 triệu trước đây”, ông Bảng nói.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong thì cho rằng việc giá vàng nhẫn tăng thời gian gần đây cho thấy thị trường vàng đang bình thường hóa trở lại.
“Về nguyên tắc, dù là vàng miếng hay vàng nhẫn đều có giá trị như nhau. Từ trước đến nay, vàng miếng thường xuyên đắt hơn vàng nhẫn là do người tiêu dùng quá sùng bái vàng miếng SJC, đổ xô đi mua. Do vậy, khi vàng quay trở về lấy chuẩn 9999 làm đo lường và Ngân hàng Nhà nước vào cuộc bình ổn thị trường thì vàng miếng sẽ quay về với giá trị thật và cái gì dễ mua hơn, dễ kiểm tra được hơn thì người tiêu dùng sẽ mua nhiều”, ông Phong nói.
Theo chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu, tại thời điểm hiện nay, vàng miếng SJC đang rất khó mua, kể cả khi Ngân hàng Nhà nước bán vàng qua đấu thầu và gần đây là bán vàng qua 4 ngân hàng thương mại, bắt đầu là bán trực tiếp và đến bây giờ là bán trực tuyến. “Số lượng vàng bán ra rất hạn chế nên người dân không mua được vàng miếng, vì thế họ đã chuyển sang mua vàng nhẫn”, ông Hiếu phân tích.
Tuy nhiên, ông Hiếu nêu quan điểm, hiện thị trường vàng giống như quả bóng, bóp chỗ này sẽ lồi sang chỗ khác. “Nếu Ngân hàng Nhà nước không đáp ứng sự thỏa mãn của người mua về vàng miếng thì họ sẽ chuyển sang mua vàng nhẫn để tích trữ. Chính điều này khiến vàng nhẫn tăng như những ngày gần đây và sẽ tiếp tục tăng nếu không có sự quản lý phù hợp”.
Công Hiếu
Nguồn: https://vtcnews.vn/vi-sao-gia-vang-nhan-chuyen-huong-vuot-mat-gia-vang-mieng-ar882843.html