Vàng thế giới vượt mốc 2.600 đô la/ounce, kéo giá trong nước tăng theo. Vàng miếng SJC mua vào bán ra là 80-82 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn 9999 là 78-80,2 triệu đồng/lượng.
Chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cùng các yếu tố về kinh tế và địa chính trị đã đẩy giá vàng thế giới lên đỉnh cao mới, trong lúc giá vàng nhẫn trong nước cũng lập kỷ lục.
Vàng thế giới vượt mốc 2.600 đô la/ounce
Cụ thể, chỉ trong 2 tuần, giá vàng tương lai đã tăng 120 đô la, trong đó hơn một nửa mức tăng diễn ra chỉ trong 2 ngày gần đây. Tính đến 5h15 (giờ New York), vàng tháng 12 được giao dịch ở mức 2.647,10 đô la/ounce, tương ứng với mức tăng hàng ngày là 40,90 đô la.
Biểu đồ giá vàng thế giới trên Kitko (20/9).
Căng thẳng địa chính trị gia tăng ở Trung Đông là một trong những nguyên nhân thúc đẩy giá vàng tăng.
Nhà Trắng đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về tình hình, đặc biệt là liên quan đến xung đột leo thang giữa Israel và Hezbollah. Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre đã nêu rõ mối lo ngại này, tuyên bố rằng: “Chúng tôi lo ngại về căng thẳng, sợ hãi và tình hình tiếp tục leo thang”.
Sự gia tăng đáng kể này nhấn mạnh vai trò của vàng như một tài sản trú ẩn an toàn trong thời kỳ bất ổn kinh tế và xung đột địa chính trị.
Cùng đó, quyết định thực hiện đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên từ năm 2020 của Cục Dự trữ Liên bang tạo nên làn sóng lớn đối với thị trường tài chính. Trong một động thái táo bạo, ngân hàng trung ương Mỹ đã cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản, đưa lãi suất quỹ Fed xuống mức từ 4,75% đến 5%. Đợt cắt giảm mạnh mẽ này đánh dấu sự khởi đầu của cái mà Fed gọi là “bình thường hóa lãi suất”, với mục tiêu cuối cùng là đạt được mức lãi suất chuẩn từ 3% đến 3,5% vào năm 2025.
Những người tham gia thị trường đang theo dõi chặt chẽ quỹ đạo của Fed, với công cụ FedWatch của CME cung cấp thông tin chi tiết về kỳ vọng lãi suất trong tương lai. Đối với cuộc họp Ủy ban Thị trường Mở tháng 11, đang có sự chia rẽ khá đồng đều về khả năng một lần cắt giảm 50 điểm cơ bản nữa (50,3%) và một lần cắt giảm khiêm tốn hơn 25 điểm cơ bản (49,7%).
Hướng tới tháng 12, công cụ này cho thấy khả năng 26,3% lãi suất sẽ ổn định trong khoảng từ 4,25% đến 4,5%, khả năng 50% lãi suất sẽ giảm xuống 4% – 4,25% và khả năng 23,7% lãi suất sẽ giảm xuống mức thấp tới 3,75% – 4%.
Vàng nhẫn trong nước tăng giá kỷ lục
Cùng hướng với vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng tăng theo. Tại thời điểm 9h30 sáng 21/9, giá vàng ở Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết ở mức 80-82 triệu đồng/lượng giá mua vào/bán ra.
Vàng nhẫn trong nước tăng giá gần bằng vàng miếng.
Cho đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn duy trì chính sách phân phối vàng miếng SJC tới 4 NHTMNN là Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank và SJC nên mức giá không tăng quá cao như trước đây. Tuy nhiên, giá vàng nhẫn 9999 lần đầu tiên tiệm cận với giá vàng miếng khi mua vào/bán ra là 78,9-80,2 triệu đồng/lượng.
So với hôm qua 20/9, giá vàng nhẫn tiếp tục tăng ở một số cửa hàng, có nơi lên 80,55 triệu đồng/lượng. Đây là mức giá cao chưa từng có đối với vàng nhẫn 9999.
Giá vàng nhẫn tròn 9999 hôm nay (21/9) tại Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji niêm yết 79,4-8,55 triệu đồng/lượng mua vào/bán ra, tăng 850.000 đồng/lượng so với cùng giờ hôm qua.
Giá vàng nhẫn giao dịch tại Bảo Tín Minh Châu ở mức 79,1– 80,23 triệu đồng/lượng, tăng 550.000 đồng/lượng so với phiên trước đó.
Tại Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ, nhẫn vàng 9999 giao dịch ở mức 79,1– 80,2 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Ở thời điểm này, quy đổi tỷ giá ngoại tệ tại Vietcombank, 1 lượng vàng thế giới tương đương 77.617.627 đồng. Như vậy, giá vàng nhẫn trong nước cao hơn vàng miếng thế giới khoảng 2,5 triệu đồng/lượng.
So với đầu năm, giá vàng nhẫn tăng tới 17,2 triệu đồng/lượng, tương đương 27,5%. Trong khi đó, với các công cụ điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước từ đầu tháng 6, giá vàng miếng SJC chỉ tăng 8%.
Đức Bình
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/vang-the-gioi-len-dinh-cao-moi-trong-nuoc-gia-vang-nhan-xac-lap-ky-luc-192240921121317251.htm