Hiện tại, giá vàng miếng SJC trong nước đang tiến sát mức đỉnh lịch sử 92,4 triệu đồng/lượng, thiết lập ngày 10/5/2024…
Chiều ngày 30/10, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) chính thức nâng giá niêm yết bán vàng miếng lên mức 90 triệu đồng/lượng. Giới chuyên môn đánh giá, đây là động thái theo sau đà tăng của giá vàng thế giới.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji cũng nâng giá mua – bán vàng miếng SJC lên 88 – 90 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, tại Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), giá vàng miếng thấp hơn SJC và Doji khoảng 1 triệu đồng, giao dịch ở mức 87 – 89 triệu đồng/lượng. Các ngân hàng thương mại khác cũng duy trì giá bán ra ở mức 89 triệu đồng/lượng.
Về vàng nhẫn 1-5 chỉ, SJC tăng giá lên 87,5 – 89 triệu đồng/lượng, cao hơn 500 nghìn đồng so với phiên trước. Tại Doji, giá mua vàng nhẫn đạt 88,6 triệu đồng/lượng, cao hơn vàng miếng SJC 600 nghìn đồng, còn giá bán là 89,6 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng miếng 400 nghìn đồng. Đây là mức giá vàng nhẫn cao nhất từ trước đến nay. PNJ cũng niêm yết giá mua vàng nhẫn ở mức 88,3 triệu đồng/lượng, cao hơn vàng miếng SJC 1,3 triệu đồng, và giá bán ra tương đương với vàng miếng ở mức 89 triệu đồng/lượng.
Như vậy, giá vàng trong nước đang nóng trở lại. Trong đó, vàng SJC tiến sát mức đỉnh lịch sử 92,4 triệu đồng/lượng, thiết lập ngày 10/5/2024. Thời điểm đấy, Ngân hàng Nhà nước đã can thiệp bằng cách bán vàng trực tiếp cho các ngân hàng thương mại nhằm bình ổn thị trường, thu hẹp chênh lệch giá giữa trong nước và thế giới. Và với diễn biến như đã nêu, thị trường đang rất háo hức về “nước cờ” tiếp theo của nhà điều hành chính sách tiền tệ trên “mặt trận vàng”.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng tăng bùng nổ, giao dịch ở mức 2.783 USD/ounce, nhiều thời điểm trong phiên lên sát ngưỡng 2.800 USD/ounce. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng ở mức gần 87 triệu đồng/lượng, đã bao gồm thuế và phí, chỉ thấp hơn khoảng 3 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.
Kể từ đầu năm, giá kim loại quý đã có mức tăng kỷ lục lên đến 35%, nhờ sự hội tụ của nhiều yếu tố quan trọng. Các yếu tố này bao gồm xung đột địa chính trị, động thái giảm lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nhu cầu mạnh mẽ từ các ngân hàng trung ương trên toàn cầu, cũng như sự không chắc chắn xung quanh kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 5/11 sắp tới. Ngoài ra, khả năng có thêm các biện pháp kích thích tài khóa cũng là một động lực chính thúc đẩy giá vàng lên cao.
Theo báo cáo từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), nhu cầu đầu tư vàng toàn cầu đã đạt mức kỷ lục trong quý 3/2024, tăng vọt 132% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, các ngân hàng trung ương và thị trường thương mại tại châu Á, nhất là Trung Quốc, đã ghi nhận nhu cầu chưa từng có đối với kim loại quý này.
Trong nước, SJC là thương hiệu lớn duy nhất có nguồn cung nhẫn trơn liên tục ra thị trường, song cũng giới hạn mỗi người chỉ được mua tối đa 5 phân. Phần lớn thương hiệu vàng lớn khác như DOJI, PNJ, Bảo Tín Minh Châu… thường rơi vào tình trạng cháy hàng nhẫn trơn. Nhiều đơn vị gần đây thậm chí dừng việc nhận khách đặt trước.
Với vàng miếng, việc mua vào cũng không dễ dàng. Người dân phản ánh thủ tục mua vàng miếng tại 5 đơn vị do Ngân hàng Nhà nước ủy thác (SJC và 4 ngân hàng quốc doanh) khó khăn hơn trước đây. Số lượng mua cũng hạn chế chỉ 1-2 lượng và áp dụng với khách đã đăng ký thành công trực tuyến. Lượt đặt mua của 4 ngân hàng thường nhanh chóng hết lượt từ sớm.
Còn tại các thương hiệu được phép kinh doanh vàng miếng khác như PNJ, DOJI, Bảo Tín Minh Châu…. họ đã ngừng bán loại hình này ra thị trường nhiều tháng nay, từ sau khi Ngân hàng Nhà nước can thiệp ấn định giá, vì không có nguồn.
Thiên Minh
Nguồn: https://thuonggiaonline.vn/vang-mieng-sjc-quay-lai-vung-gia-90-trieu-dongluong-dau-se-la-nuoc-co-moi-cua-ngan-hang-nha-nuoc-post555685.html