Kết thúc tuần giao dịch từ 9-16/11, giá vàng tiếp tục đi xuống với tuần giảm mạnh nhất trong 3 năm, trong khi nhiều mặt hàng khác ghi nhận giá tăng vọt như nhôm, cà phê, ca cao…
Năng lượng: Giá dầu giảm 4%, khí LNG tăng hơn 1%
Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu thế giới giảm hơn 2% vào thứ Sáu (15/11) khi các nhà đầu tư lo lắng về nhu cầu của Trung Quốc yếu hơn và khả năng chậm lại trong tốc độ cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Cụ thể, dầu thô Brent giảm 1,52 USD (-2,09%) xuống 71,04 USD/thùng; dầu thô Mỹ (WTI) giảm 1,68 USD (-2,45%) xuống 67,02 USD/thùng. Cả tuần, giá dầu Brent giảm khoảng 4%, trong khi dầu WTI giảm khoảng 5%.
Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, các nhà máy lọc dầu nước này xử lý ít hơn 4,6% dầu thô so với cùng kỳ năm trước do đóng cửa nhà máy và giảm công suất hoạt động tại các nhà máy lọc dầu độc lập nhỏ hơn.
Các nhà kinh tế của Goldman Sachs Research đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2025 của Trung Quốc, ngân hàng này cho biết trong một lưu ý.
Giá dầu giảm trong tuần còn do các nhà dự báo chỉ ra rằng, nhu cầu toàn cầu đang chậm lại.
“Nhu cầu dầu toàn cầu đang yếu đi”, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol cho biết tại hội nghị thượng đỉnh COP29. IEA dự báo nguồn cung dầu toàn cầu sẽ vượt cầu hơn 1 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2025 ngay cả khi OPEC+ tiếp tục cắt giảm sản lượng.
Trong khi đó, OPEC đã cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2024 và 2025, nhấn mạnh vào sự yếu kém ở Trung Quốc, Ấn Độ và các khu vực khác.
Doanh số bán lẻ của Mỹ tăng nhẹ hơn dự kiến vào tháng 10, cho thấy nền kinh tế đã khởi động quý IV/2024 một cách mạnh mẽ. Lãi suất thấp hơn thường thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ nhu cầu nhiên liệu.
Trên thị trường khí đốt, giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Mỹ tăng nhẹ vào thứ Sáu (15/11) do lượng khí đốt xuất khẩu tăng lên mức cao nhất 10 tháng và giá khí đốt tăng đột biến gần đây ở châu Âu lên mức cao nhất 11 tháng.
Cụ thể, giá LNG giao tháng 12 trên Sàn giao dịch hàng hóa New York tăng 3,8 cent (+1,4%) lên 2,823 USD/mmBtu.
Công ty tài chính LSEG cho biết, sản lượng khí đốt trung bình tại 48 tiểu bang của Mỹ đã giảm xuống còn 100,3 tỷ feet khối mỗi ngày (bcfd) cho đến nay trong tháng 11, giảm so với mức 101,3 bcfd trong tháng 10. Con số này tương đương với mức kỷ lục 105,3 bcfd vào tháng 12/2023.
Lượng khí đốt vào bảy nhà máy xuất khẩu LNG lớn đang hoạt động của Mỹ đã tăng lên mức trung bình 13,3 bcfd cho đến nay trong tháng 11, tăng từ mức 13,1 bcfd vào tháng 10. Con số này so với mức cao kỷ lục hàng tháng là 14,7 bcfd vào tháng 12 năm 2023.
Kim loại: Giá vàng giảm mạnh nhất 3 năm, quặng sắt và thép cũng giảm, nhôm tăng vọt
Ở nhóm kim loại quý, giá vàng ghi nhận tuần giảm mạnh nhất trong hơn 3 năm do dự đoán Fed cắt giảm lãi suất ít hơn đã đẩy USD lên cao, làm giảm sức hấp dẫn của vàng.
Cụ thể, vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 2.565,49 USD/ounce và giảm hơn 4% trong tuần – chạm mức thấp nhất kể từ ngày 12/9/2024 trong phiên trước đó. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 12/2024 giảm 0,1% xuống 2.570,1 USD/ounce.
USD có tuần tăng mạnh nhất trong hơn 1 tháng, khiến vàng trở nên đắt hơn đối với khách hàng mua bằng ngoại tệ khác. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tiếp tục tăng sau khi số liệu cho thấy doanh số bán lẻ tại Mỹ tăng nhiều hơn dự kiến trong tháng trước.
Các nhà kinh tế tin tưởng kế hoạch áp thuế của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ làm tăng lạm phát, dẫn tới làm chậm lại chu kỳ giảm lãi suất của Fed.
Ở nhóm kim loại màu, giá nhôm tăng vọt sau khi Trung Quốc cho biết sẽ hủy bỏ việc hoàn thuế xuất khẩu, gây lo lắng lượng xuất khẩu lớn ra nước ngoài có thể hạn chế.
Cụ thể, giá nhôm giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) có thời điểm tăng khoảng 8,5% lên 2.730 USD/tấn, trước khi đóng cửa tăng 5,6% lên 2.658,5 USD/tấn.
Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết, họ sẽ hủy việc hoàn thuế xuất khẩu các sản phẩm nhôm và đồng, có hiệu lực từ 1/12/2024. Nước này xuất khẩu 4-6 triệu tấn nhôm bán thành phẩm mỗi năm, chiếm khoảng 7% nguồn cung toàn cầu.
Tương tự, giá đồng tăng 0,2% lên 9.006 USD/tấn sau khi xuống thấp nhất 3 tháng trong phiên liền trước. Trung Quốc không phải là nước xuất khẩu sản phẩm đồng lớn.
Ở nhóm kim loại đen, quặng sắt giảm xuống mức thấp nhất trong gần 2 tháng và giảm trong cả tuần, trước áp lực lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc suy yếu, nguồn cung mạnh và triển vọng nhu cầu thép giảm theo mùa.
Cụ thể, hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2025 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, Trung Quốc (DCE) giảm 3,09% xuống 736 CNY (101,8 USD)/tấn trong phiên 15/11 – thấp nhất kể từ ngày 27/9 và cả tuần giá giảm 6,18%.
Tại Singapore, quặng sắt kỳ hạn tháng 12/2024 giảm 1,7% xuống 96,6 USD/tấn và giảm 4,18% trong tuần.
Giá nhà mới của Trung Quốc trong tháng 10/2024 giảm mạnh nhất so với năm trước kể từ năm 2015, trong khi đầu tư bất động sản giảm 10,3% trong 10 tháng đầu năm 2024, cho thấy các biện pháp hỗ trợ của Bắc Kinh đối với lĩnh vực này cho tới nay vẫn chưa có nhiều tác động.
Hoạt động xây dựng giảm theo mùa trong bối cảnh thời tiết lạnh hơn ở khắp Trung Quốc đang ảnh hưởng tới nhu cầu thép, hoạt động ở các công trường đang chậm lại hay dừng hẳn ở các khu vực phía Bắc. Tuy nhiên, ở một số khu vực phía Nam ít bị ảnh hưởng bởi khí hậu này, các nhà thầu địa phương đang đẩy nhanh tiến độ để đáp ứng thời hạn cuối năm.
Tại Thượng Hải, giá thép thanh giảm khoảng 2,8%; thép cuộn cán nóng giảm 2,2%; dây thép cuộn giảm 0,36% và thép không gỉ giảm gần 0,5%.
Nông sản: Lúa mì và ngô tăng giá, đi ngược với đậu tương
Giá ngô trên Sàn giao dịch Chicago, Mỹ (CBOT) tăng do giao dịch kỹ thuật sau 4 ngày giảm liên tiếp bởi lo ngại liên quan về nhu cầu trong nước nếu chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump không thân thiện với ngành nhiên liệu sinh học như dự đoán. Cụ thể, ngô kỳ hạn tháng 12/2024 tăng 0,05 US cent lên 4,24 USD/bushel.
Lúa mì của Mỹ phục hồi sau một tuần thấp nhất nhiều tháng bởi USD tăng trong nhiều ngày. Cụ thể, lúa mì vụ Đông mềm đỏ cùng kỳ hạn tăng 6-1/4 US cent lên 5,36-1/2 USD/bushel.
Trong khi đó, đậu tương quay đầu giảm hơn 3% xuống 367 USD/tấn, gần như xóa sạch mức tăng của tuần trước đó.
Tiến độ thu hoạch đậu tương Mỹ đạt 96%, vượt cùng kỳ năm ngoái và mức trung bình lịch sử, tạo áp lực nguồn cung lớn trên thị trường. Tại Argentina, Sở Giao dịch Ngũ cốc Rosario (BCR) nâng dự báo sản lượng niên vụ 2024-2025 lên 53-53,5 triệu tấn nhờ mưa thuận lợi trong nửa cuối tháng 10.
Báo cáo Export Sales của USDA cho thấy, doanh số bán đậu tương Mỹ tuần qua đạt 1,56 triệu tấn, giảm 23% so với tuần trước nữa, phản ánh nhu cầu đang chững lại.
Nguyên liệu công nghiệp: Giá cà phê, ca cao bật mạnh, đi ngược với cao su, đường diễn biến trái chiều
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, đường thô kỳ hạn tháng 3/2025 tăng 0,1% lên 21,58 US cent/lb. Đường trắng kỳ hạn tháng 12/2024 giảm 0,1 USD xuống 545,2 USD/tấn.
USD mạnh lên gây áp lực lên giá, dù thị trường này vẫn được hỗ trợ bởi triển vọng sản lượng đường của Brazil vụ 2025-2026 giảm do cháy rừng.
Giá cà phê Arabica tăng gần 12% lên 6.200 USD/tấn, mức tăng hàng tuần mạnh nhất trong 8 tháng qua, đồng thời thiết lập đỉnh cao nhất trong hơn 13 năm. Cà phê Robusta cũng ghi nhận mức tăng hơn 9% lên gần 4.800 USD/tấn, đánh dấu tuần tăng thứ hai liên tiếp và lên mức cao nhất trong vòng 1 tháng.
Nguyên nhân chính giúp giá cà phê tăng mạnh là nhờ kết quả bầu cử tổng thống Mỹ, với chiến thắng thuộc về Donald Trump, tạo kỳ vọng tích cực về kinh tế Mỹ. Điều này thúc đẩy dòng tiền chuyển từ các tài sản trú ẩn như kim loại quý sang các thị trường đầu cơ sinh lời cao như cà phê.
Bên cạnh đó, tại Brazil, dù đã có mưa trở lại từ tháng 10, lượng mưa vẫn thấp hơn mức trung bình lịch sử. Điều này khiến giới phân tích lo ngại mùa vụ 2024-2025 sẽ không thể phục hồi hoàn toàn sau đợt nắng nóng kỷ lục. Hãng tư vấn StoneX dự báo, sản lượng cà phê Brazil sẽ giảm 0,4%, riêng Arabica giảm tới 10,5%, chỉ còn 40 triệu bao loại 60kg.
Tại Việt Nam, dự báo La Nina sẽ gây mưa lũ nhiều hơn ở Tây Nguyên, vùng trồng cà phê lớn nhất. Điều này có thể làm gián đoạn tiến độ thu hoạch, ảnh hưởng đến chất lượng hạt và sản lượng. Sản lượng vụ 2024-2025 được dự báo giảm 10-15% so với niên vụ 2023-2024.
Giá ca cao tăng gần 22% lên hơn 8.500 USD/tấn, đánh dấu mức tăng hàng tuần lớn thứ hai trong 44 năm qua do những lo ngại về nguồn cung khiến dòng tiền đổ mạnh vào mặt hàng này.
Ngoài ra, tại Bờ Biển Ngà, doanh số bán hợp đồng xuất khẩu niên vụ 2024-2025 giảm 40% do thời tiết bất lợi. Điều này làm dấy lên lo ngại về nguồn cung ca cao trong giai đoạn từ tháng 1-3/2025.
Giá cao su Nhật Bản tăng trong phiên cuối tuần qua (11/5) do JPY yếu, song có tuần giảm thứ 3 trong 1 tháng trong bối cảnh lo lắng về nhu cầu tại Trung Quốc. Cụ thể, hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 4/2025 trên Sàn giao dịch Osaka đóng cửa phiên này tăng 6 JPY (+1,74%) lên 350 JPY (2,24 USD)/kg, nhưng vẫn giảm 4,71% trong tuần.
Tại Thượng Hải, cao su giao tháng 1/2025 giảm 0,65 CNY (-0,37%) xuống 17.650 CNY (2.441,62 USD)/tấn.
USD tăng ngày thứ 5 so với JPY, khiến các tài sản định giá bằng JPY giá cả phải chăng hơn đối với người mua bằng ngoại tệ khác.
Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua
(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).
N.Tùng
Nguồn: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-hang-hoa-the-gioi-tuan-tu-9-1611-gia-vang-giam-manh-nhat-3-nam-nhom-ca-phe-ca-cao-tang-vot-post358252.html