Trang chủ Giá Vàng Thị trường châu Á chiều 5/7: Nhà đầu tư chờ số liệu...

Thị trường châu Á chiều 5/7: Nhà đầu tư chờ số liệu việc làm từ Mỹ

4
0
Rate this post

Trong phiên chiều 5/7 tại châu Á, giá vàng giao ngay tăng 0,3%, lên 2.363,25 USD/ounce. Trong khi đó, giá dầu Brent giảm 0,4%, xuống 87,12 USD/thùng, còn giá dầu WTI giảm 0,2%, xuống 83,7 USD/thùng.

Thị trường châu Á chiều 5/7: Nhà đầu tư chờ số liệu việc làm từ Mỹ. Ảnh: Reuters

Trong phiên 5/7 tại châu Á, giá vàng trên đà tăng tuần thứ hai liên tiếp, trong khi giá dầu tiến tới khép lại tuần tăng thứ tư liên tiếp. Đáng chú ý, phần lớn các thị trường chứng khoán giảm điểm, khi các nhà giao dịch chờ số liệu việc làm của Mỹ.

* Giá vàng trên đà tăng hai tuần liên tiếp

Vàng vững giá trong phiên 5/7 tại châu Á và trên đà tăng tuần thứ hai liên tiếp, khi các nhà giao dịch chờ số liệu việc làm của Mỹ để đánh giá về lộ trình hạ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Giá vàng giao ngay tăng 0,3%, lên 2.363,25 USD/ounce vào lúc 14 giờ 9 phút (theo giờ Việt Nam) và tăng hơn 1% trong tuần này. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,1%, lên 2.372,3 USD/ounce.

Các số liệu được công bố ngày 3/7, trong đó có báo cáo việc làm của ADP và báo cáo về lĩnh vực dịch vụ, cho thấy kinh tế Mỹ đang chậm lại. Một báo cáo khác cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tăng trong tuần trước.

Báo cáo việc làm ở khu vực phi nông nghiệp của Mỹ sẽ được công bố vào 19 giờ 30 phút ngày 5/7 (theo giờ Việt Nam).

Các nhà giao dịch hiện nhận định có 73% khả năng Fed hạ lãi suất vào tháng 9/2024.

Lãi suất thấp hơn sẽ làm giảm chi phí cơ hội cho việc nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.

Các nhà phân tích tại NAB dự báo giá vàng ở mức trung bình 2.200 USD/ounce trong năm 2024, trước khi giảm xuống 2.050 USD/ounce trong năm 2025.

Tại Việt Nam, vào lúc 11 giờ ngày 5/7, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 74,98 – 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

* Giá dầu hướng tới tuần tăng thứ tư liên tiếp

Giá dầu giảm trong phiên 5/7 nhưng trên đà khép lại tuần tăng thứ tư liên tiếp và ở gần mức cao nhất kể từ cuối tháng 4/2024. Chi phối tâm lý trên thị trường là những hy vọng về nhu cầu nhiên liệu cao trong mùa Hè và những lo ngại về nguồn cung.

Giá dầu Brent kỳ hạn giảm 31 xu Mỹ, hay 0,4%, xuống 87,12 USD/thùng vào lúc 13 giờ 56 phút (theo giờ Việt Nam). Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI kỳ hạn của Mỹ giảm 18 xu Mỹ so với mức chốt phiên 3/7, hay 0,2%, xuống 83,7 USD/thùng.

Giá dầu tăng trong tuần này nhờ dự báo nhu cầu tại Mỹ, nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, sẽ cao trong mùa Hè.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ công bố báo cáo cho thấy dự trữ nhiên liệu của nước này trong tuần trước giảm 12,2 triệu thùng, so với mức dự báo giảm 700.000 thùng của các nhà phân tích.

Số liệu được công bố ngày 3/7 cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tăng trong tuần trước, trong khi số người thất nghiệp cũng tăng, điều mà theo các nhà phân tích cho là có thể đẩy nhanh quyết định hạ lãi suất của Fed và hỗ trợ thị trường dầu mỏ.

Về phía nguồn cung, các công ty dầu mỏ của Nga là Rosneft và Lukoil sẽ cắt giảm xuất khẩu dầu từ cảng Novorossiisk trên Biển Đen vào tháng 7/2024.

* Hầu hết các sàn chứng khoán châu Á giảm điểm

Phần lớn các thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm trong phiên này, một ngày sau khi các chỉ số chứng khoán của Nhật Bản chạm các mức cao kỷ lục, trong bối cảnh các nhà giao dịch chờ báo cáo việc làm của Mỹ.

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản chốt phiên giảm 1,28 điểm, xuống 40.912,37 điểm, sau khi vượt kỷ lục được thiết lập vào năm 1989 trong phiên trước.

Theo nhà phân tích Takuma Ikemoto tại Tokai Tokyo Intelligence Lab, các công ty Nhật Bản không ngừng nâng cao khả năng sinh lời và thị trường chứng khoán nước này đã bước vào giai đoạn mới.

Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) chấm dứt chuỗi tăng điểm kéo dài bốn phiên, giữa lúc chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải (Trung Quốc) cũng giảm điểm, sau khi Liên minh châu Âu áp thuế bổ sung lên đến 38% đối với xe điện nhập khẩu của Trung Quốc từ ngày 4/7.

Chỉ số Hang Seng chốt phiên giảm 228,67 điểm, hay 1,27%, xuống 17.799,61 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 0,26%, xuống 2.949,93 điểm.

Tại Hàn Quốc, việc công ty điện tử Samsung Electronics dự báo lợi nhuận quý II/2024 vượt 25% so với kỳ vọng, nhờ giá chip tăng và nhu cầu lớn đối với trí tuệ nhân tạo tạo sinh, đã kéo giá cổ phiếu của công ty lên cũng như thúc đẩy thị trường chứng khoán nước này.

Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 37,29 điểm, hay 1,32%, lên 2.862,23 điểm, mức cao nhất kể từ ngày 18/1/2022.

Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch 5/7 chỉ số VN-Index tăng 3,15 điểm (0,25%) lên 1.283,04 điểm. HNX-Index đóng cửa tăng 0,43 điểm (0,18%) lên 242,31 điểm.

Lê Minh (Tổng hợp)

Nguồn: https://bnews.vn/thi-truong-chau-a-chieu-5-7-nha-dau-tu-cho-so-lieu-viec-lam-tu-my/339575.html

Bài trướcGiá vàng hôm nay 5/7: Vàng nhẫn Bảo Tín Minh Châu, PNJ, Doji liên tục tăng giá, vàng SJC giữ nguyên
Bài tiếp theoGiá vàng SJC ổn định 1 tháng qua, vàng nhẫn tăng sát vàng miếng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây