Trang chủ Tin Tức Sức ép tỷ giá cuối năm

Sức ép tỷ giá cuối năm

5
0
Rate this post

Trong thời gian qua, các ngân hàng thương mại thường xuyên niêm yết giá bán ra đô la Mỹ sát mức giá trần của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Điều gì đang gây sức ép lên tỷ giá trên thị trường chính thức?

Áp lực trên thị trường chính thức

Ngày 19-11-2024, tỷ giá trung tâm đô la Mỹ/tiền đồng được niêm yết với mức 24.293 đồng/đô la, tăng 50 đồng so với đầu tháng, tiếp nối mức tăng 150 đồng trong tháng 10. Với biên độ 5%, mức giá trần mà các ngân hàng được giao dịch tính theo tỷ giá trung tâm là 25.508 đồng/đô la. Trong cùng ngày, giá bán đô la Mỹ tại Vietcombank là 25.507 đồng/đô la, chỉ thấp hơn mức giá trần đúng… 1 đồng.

Thật ra tình trạng giá bán đô la Mỹ của các ngân hàng bằng hoặc sát mức giá trần của NHNN đã kéo dài gần một tháng qua, phản ánh nhu cầu đô la Mỹ trên thị trường chính thức đang khá căng thẳng. Nếu như trong tháng 10, giá mua vào đô la Mỹ của Vietcombank tăng vọt trở lại 715 đồng, giá bán ra tăng cao hơn – tăng 725 đồng, thì từ đầu tháng 11 đến nay (ngày 19-11) giá mua vào tiếp tục tăng thêm 90 đồng, cao hơn so với mức tăng 52 đồng ở giá bán ra, cho thấy nguồn cung ngoại tệ tại các ngân hàng ít nhiều chịu áp lực.

Thị trường phi chính thức lại đang cho thấy xu hướng ngược lại, khi so với đầu tháng này giá đô la Mỹ giảm 30 đồng. Hệ quả là nếu so với đầu năm, trong khi giá đô la Mỹ tại các ngân hàng đã tăng xấp xỉ hơn 4,5% thì tại thị trường phi chính thức mức tăng lại thấp hơn, chỉ 4%. Đây là diễn biến khá hiếm hoi trong nhiều năm qua.

Sức ép lớn nhất với thị trường ngoại hối trong nước thời gian gần đây đến từ diễn biến đô la Mỹ tăng mạnh trở lại trên thị trường quốc tế, sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Chỉ trong vòng 10 ngày (từ 5-11 đến 15-11), chỉ số USD Index đã tăng gần 3,5%, chiếm một nửa mức tăng 7% của một tháng rưỡi qua, để lên mức cao nhất trong vòng một năm qua tại mốc 107 điểm.

Dù vậy, giá đô la Mỹ tại thị trường phi chính thức vẫn đang cao hơn giá niêm yết của các ngân hàng lần lượt là 460 đồng ở chiều mua vào và 260 đồng ở chiều bán ra. Việc thị trường vàng đã điều chỉnh mạnh gần đây dường như đã làm giảm nhu cầu vàng, từ đó lực mua gom ngoại tệ để nhập lậu vàng có thể cũng suy yếu trở lại.

Trong khi đó, chênh lệch lãi suất giữa đô la Mỹ và tiền đồng đã đảo chiều từ đầu tháng 11 đến nay, do đó không còn là yếu tố gây áp lực lên tỷ giá. Theo số liệu cập nhật gần nhất trong tuần lễ từ ngày 4 đến ngày 8-11, lãi suất vay mượn tiền đồng qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã leo lên mức 5,15%, cao hơn 0,31% so với lãi suất đô la Mỹ. Tương tự, mức chênh lệch này ở các kỳ hạn một tuần và hai tuần lần lượt là 0,42% và 0,22%.

Theo giới phân tích, áp lực tỷ giá trên thị trường chính thức xuất phát từ nhu cầu đô la Mỹ lớn hơn để đáp ứng hoạt động nhập khẩu giai đoạn cao điểm cuối năm. Số liệu cho thấy dư nợ tín dụng ngoại tệ trong tháng 10 vừa qua trên địa bàn TPHCM tăng trở lại 1,1% so với tháng trước đó, cao hơn mức tăng 0,8% của dư nợ tiền đồng, phần nào cho thấy nhu cầu ngoại tệ đang tăng của các doanh nghiệp nhập khẩu.

Ngoài ra, nguồn cung đô la Mỹ của các ngân hàng có lẽ cũng đang phải đáp ứng nhu cầu từ Kho bạc Nhà nước (KBNN). Theo thông báo của KBNN, từ đầu tháng 11 đến nay cơ quan này đã có thêm ba đợt chào mua ngoại tệ giao ngay từ các ngân hàng với tổng giá trị là 790 triệu đô la Mỹ, nâng lũy kế từ đầu năm đến nay lên 11 đợt với tổng giá trị 2,08 tỉ đô la Mỹ. Trước đó, trong tháng 10, cơ quan này cũng đã có bốn đợt mua với giá trị là 790 triệu đô la Mỹ.

Và sức ép lớn từ thị trường quốc tế

Tuy nhiên, sức ép lớn nhất với thị trường ngoại hối trong nước thời gian gần đây đến từ diễn biến đô la Mỹ tăng mạnh trở lại trên thị trường quốc tế, sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ. Chỉ trong vòng 10 ngày từ ngày 5-11 đến 15-11, chỉ số USD Index đã tăng gần 3,5%, chiếm một nửa mức tăng 7% của một tháng rưỡi qua, để lên mức cao nhất trong vòng một năm qua tại mốc 107 điểm.

Hàng rào thuế quan toàn diện mà Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể tiếp tục thiết lập trong nhiệm kỳ thứ 2 của mình có thể đẩy giá hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ tăng mạnh. Trong khi đó, chính sách trục xuất lượng lớn người nhập cư có thể gây thiếu hụt nhân lực trên thị trường lao động, đẩy giá tiền lương leo thang. Cùng với việc theo đuổi chính sách tài khóa mở rộng, tất cả những điều này sẽ kéo lạm phát của Mỹ gia tăng trở lại.

Cần lưu ý rằng đảng Cộng Hòa của ông Donald Trump cũng đã giành chiến thắng ở cả Thượng viện và Hạ viện, nên chính sách của ông có thể có nhiều thuận lợi để được thông qua, bất chấp những hậu quả khó lường lên nền kinh tế toàn cầu nói chung và Mỹ nói riêng.

Mỹ và Trung Quốc là hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, trong đó Mỹ là nước Việt Nam đạt thặng dư thương mại lớn nhất, ngược lại Trung Quốc là nước Việt Nam đang phải chịu nhập siêu nhiều nhất. Vì vậy, khi đô la Mỹ tăng giá mạnh còn nhân dân tệ lại giảm giá, dễ hiểu vì sao tiền đồng cũng chịu ảnh hưởng và buộc phải mất giá so với đô la Mỹ để giữ được lợi thế cạnh tranh thương mại.

Lạm phát của Mỹ những tháng qua vẫn đang chật vật tìm đường về lại mức 2%, mục tiêu mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đặt ra. Nếu thời gian tới áp lực lạm phát tăng trở lại, Fed có thể phải tạm ngừng nới lỏng chính sách tiền tệ, khi đó càng hỗ trợ cho đà đi lên của đô la Mỹ. Chủ tịch Fed hôm 15-11 đã phát đi thông điệp về việc không vội vã hạ lãi suất. Theo ông, việc nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng tốt sẽ cho Fed thêm thời gian để cân nhắc kỹ lưỡng về quy mô và tốc độ nới lỏng chính sách tiền tệ.

Khả năng Fed tiếp tục giảm lãi suất cơ bản đô la Mỹ lần thứ 3 liên tiếp trong cuộc họp vào tháng 12 tới đã giảm xuống đáng kể, sau khi dữ liệu kinh tế Mỹ cho thấy doanh số bán lẻ và giá hàng nhập khẩu đều tăng mạnh hơn dự kiến. Xác suất Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp vào tháng 12 đã tăng lên gần 42% tính đến ngày 19-11, gấp đôi tỷ lệ cách đây một tháng. Theo dự báo đưa ra hồi tháng 9 của Fed, lãi suất chính sách có thể giảm xuống 2,9% vào năm 2026, tuy nhiên các nhà đầu tư hiện đang đặt cược mức lãi suất sẽ cao hơn con số này tới 1%.

Trong khi đô la Mỹ đang không ngừng đi lên, nhân dân tệ của Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam lại đang chịu sức ép giảm giá, sau khi chính quyền nước này gần đây tung ra hàng loạt gói kích thích kinh tế bằng chính sách tiền tệ và tài khóa khổng lồ. Ngoài ra, việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ cũng đang gây áp lực giảm giá lên nhân dân tệ, khi có thể làm suy yếu hoạt động xuất khẩu và thu hút đầu vốn đầu tư nước ngoài của nước này.

Mỹ và Trung Quốc là hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, trong đó Mỹ là nước Việt Nam đạt thặng dư thương mại lớn nhất, ngược lại Trung Quốc là nước Việt Nam đang phải chịu nhập siêu nhiều nhất. Vì vậy, khi đô la Mỹ tăng giá mạnh còn nhân dân tệ lại giảm giá, dễ hiểu vì sao tiền đồng cũng chịu ảnh hưởng và buộc phải mất giá so với đô la Mỹ để giữ được lợi thế cạnh tranh thương mại.

Triệu Minh

Nguồn: https://thesaigontimes.vn/suc-ep-ty-gia-cuoi-nam/

Bài trướcGiá vàng hôm nay 27/11: thế giới bật tăng trở lại, nhẫn mất hơn 2 triệu
Bài tiếp theoGiá vàng giảm rất mạnh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây