Trong bối cảnh giá vàng tăng mạnh, các nhà đầu tư kim loại quý đang hướng sự chú ý đến Nga – nơi đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh BRICS, khi nhóm này mở rộng thành viên và Nga thuyết phục các nước sử dụng một giải pháp thay thế đồng USD trong thương mại toàn cầu.
Giới đầu tư vàng đặc biệt quan tâm khả năng xuất hiện một đồng tiền chung BRICS – Ảnh: JP
Vài tuần trước, Tổng thống Nga Putin công khai thảo luận về khả năng một đồng tiền chung của BRICS có thể cạnh tranh trên toàn cầu với đồng USD. Một số báo cáo đã gợi ý rằng đồng tiền này sẽ được hỗ trợ một phần bởi vàng và các đồng tiền của các quốc gia thành viên BRICS.
Nhiều người trong giới kim loại quý suy đoán rằng, Hội nghị Thượng đỉnh BRICS năm 2024 tại Kazan, Nga có thể mang lại thông tin về động cơ kinh tế của Nga và Trung Quốc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thúc đẩy việc rời khỏi đồng USD trong thương mại toàn cầu, mặc dù cả hai nền kinh tế vẫn phụ thuộc nhiều vào đồng tiền này.
Trước đó, Đại sứ Nga tại Trung Quốc Igor Morgulov hồi tháng 7 vừa qua cũng tuyên bố rằng, các nước thành viên BRICS đang thảo luận về việc phát hành đồng tiền chung của nhóm này và nhấn mạnh quá trình đang tiến triển rõ rệt.
“Chúng tôi đang rời khỏi không gian bị chi phối bởi đồng USD và đang phát triển các cơ chế cùng công cụ cho một hệ thống tài chính độc lập”, ông Morgulov phát biểu tại Diễn đàn Hòa bình thế giới lần thứ 7 ở Bắc Kinh hôm 7/7.
Ý tưởng khả thi?
Đồng tiền chung BRICS được giới chuyên gia đánh giá, hoàn toàn có thể làm lung lay vị thế của đồng USD trong thương mại quốc tế. Tuy nhiên, việc thiếu lộ trình phát triển chính thức và nhiều thách thức cần phải vượt qua, khiến các chuyên gia nghi ngờ tính khả thi của đồng tiền này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Hội nghị BRICS ở Saint Petersburg, Nga ngày 11/7/ 2024 – Ảnh: Reuters.
Đây không phải lần đầu tiên đại diện một nước thành viên BRICS lên tiếng về việc giảm tầm ảnh hưởng của đồng USD trong thương mại toàn cầu. Thực tế, ngay từ những năm đầu thành lập vào năm 2009, các thành viên BRICS đã nói về ý tưởng phát hành đồng tiền chung để không phụ thuộc vào đồng USD.
Nỗ lực này thực tế “mạnh mẽ” hơn trong những năm gần đây, sau khi Mỹ và các nước phương Tây tăng cường sử dụng đồng USD làm công cụ trừng phạt kinh tế của một số nước thành viên BRICS, bao gồm Nga và Trung Quốc.
Thực tế, tỉ giá giữa đồng USD với các đồng tiền khác liên tục tăng càng thúc đẩy việc tách khỏi đồng USD.
Nhiều quốc gia, đặc biệt là các thành viên BRICS hay có quan hệ với các nước thuộc nhóm này, đã đẩy mạnh mua vàng qua các ngân hàng trung ương trong ba năm qua, theo The Jerusalem Post ngày 21/10.
Dữ liệu gần đây cho thấy các thành viên BRICS hiện nắm giữ 20% dự trữ vàng toàn cầu. Những điều này làm gia tăng suy đoán các quốc gia phương Đông có thể đang tìm cách tạo ra một đồng tiền có thể cạnh tranh với đồng tiền Mỹ.
Thách thức đồng USD
Tạp chí Foreign Policy từng nhận định rằng, khác với các đồng tiền trong quá khứ, đồng BRICS hoàn toàn có khả năng làm lung lay vị thế của đồng USD trong thương mại quốc tế. Với việc xuất siêu lên đến hàng trăm tỉ USD, các thành viên BRICS đã có thể đáp ứng hầu như toàn bộ nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của nhau. Sự đa dạng vị trí địa lý khiến danh mục xuất khẩu hàng hóa các nước thành viên trong nhóm cũng rất khác nhau và hỗ trợ cho nhau.
Điều này tạo ra khác biệt với bất kỳ đồng tiền chung nào trước đó, tiêu biểu là đồng euro của Liên minh châu Âu (EU). EU là tập hợp các nước có chung đường biên giới, dẫn đến điều kiện địa lý cũng tương đồng và tính bù trừ trong danh mục sản xuất giữa các nước sẽ kém hơn BRICS.
Chính tiềm năng giao thương rộng lớn giữa các thành viên của nhóm mở ra không gian sử dụng khổng lồ cho đồng tiền chung. Bên cạnh đó, tiềm năng này không chỉ giới hạn trong số 9 nước hiện tại. Mỗi thành viên BRICS đều là đầu tàu kinh tế trong khu vực của mình, có thể kêu gọi các quốc gia lân cận sử dụng đồng tiền chung của nhóm.
Mặc dù vậy, việc thành lập đồng tiền chung là không hề đơn giản. Giống như đồng euro, một đồng tiền chung BRICS cũng cần có một ngân hàng trung ương đa quốc gia. Quá trình thành lập ngân hàng dạng này vô cùng phức tạp, song cũng không phải là không thể.
Các chuyên gia cho rằng, dù đồng tiền chung BRICS có được các nước đón nhận rộng rãi thì vị thế số 1 của đồng USD trong thương mại quốc tế vẫn gần như không thể thay đổi. Mỹ vẫn đang là nền kinh tế đứng đầu thế giới và tính bền vững của đồng USD trong thương mại quốc tế đã được chứng minh trong nhiều thập niên.
Trong kịch bản thành công, đồng tiền chung BRICS vẫn hoàn toàn có thể thay đổi cục diện thương mại quốc tế khi biến trật tự tiền tệ toàn cầu từ chỗ đơn cực thành đa cực.
Bình An
Foreign/JP
Nguồn: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/nhung-dieu-can-biet-ve-dong-tien-chung-brics-719579.html