
Ảnh minh họa
Hợp đồng vàng tương lai giao tháng 6/2025 đã giảm mạnh 2,62% (tương đương 87,30 USD), chốt phiên ở mức 3.241,80 USD/ounce khi thị trường phản ứng với những thay đổi đáng kể trong chính sách thương mại. Mức giảm này thể hiện sự điều chỉnh 50% so với đỉnh gần nhất là 3.509,90 USD/ounce vào ngày 22/4. Các nhà phân tích hiện đang theo dõi các ngưỡng hỗ trợ tiềm năng quanh mức 3.176,50 USD (mức thoái lui Fibonacci 61,8%) và 3.157,70 USD (đường trung bình động 50 ngày).
Nguyên nhân chính khiến giá vàng sụt giảm là bước đột phá trong quan hệ thương mại Mỹ – Trung sau cuộc đàm phán diễn ra hôm thứ Bảy (10/5) tại Geneva. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent mô tả các cuộc đàm phán là “rất hiệu quả”, tạo tiền đề cho việc giảm mạnh thuế quan qua lại bắt đầu từ thứ Tư (14/5). Mỹ sẽ giảm thuế nhập khẩu với hầu hết hàng hóa Trung Quốc từ 145% xuống còn 30% (vẫn giữ thuế cao với thép, nhôm và ô tô), trong khi Trung Quốc sẽ giảm thuế với hàng hóa của Mỹ từ 125% xuống còn 10%.
Thỏa thuận giảm thuế trong 90 ngày này dự kiến sẽ được duy trì lâu dài, đánh dấu sự hạ nhiệt đáng kể trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Các nhà kinh tế kỳ vọng động thái này sẽ làm giảm áp lực lạm phát đối với hàng tiêu dùng và thúc đẩy xuất khẩu của các nhà sản xuất và nông dân Mỹ.
Đồng thời, thỏa thuận thương mại mới được công bố giữa Mỹ và Anh sẽ mở rộng khả năng tiếp cận thị trường Anh cho các nhà xuất khẩu Mỹ, với Nhà Trắng dự báo “5 tỷ USD cơ hội” cho nông dân và nhà sản xuất Hoa Kỳ. Dù một số điều khoản vẫn đang được hoàn thiện, thỏa thuận giữ mức thuế cơ bản 10%, với các điều khoản đặc biệt đối với ô tô nhập khẩu.
Phản ứng tức thời của thị trường là đồng USD mạnh lên rõ rệt, với chỉ số USD tăng 1,37% lên 111,63 điểm. Khoảng một nửa mức giảm giá vàng trong phiên giao dịch ngày 12/5 là do đồng USD tăng mạnh. Bởi vàng có mối quan hệ chặt chẽ với đồng USD: khi đồng đô la mạnh lên, giá vàng thường có xu hướng giảm, và ngược lại. Nửa còn lại của đợt sụt giảm đến từ việc các nhà đầu tư bán tháo hợp đồng vàng tương lai.
Đối với nền kinh tế nói chung, các thỏa thuận thương mại này báo hiệu chi phí giao dịch thấp hơn và mở rộng tiếp cận thị trường, có thể thúc đẩy tăng trưởng GDP và giảm áp lực lạm phát. Việc hạ thuế nhập khẩu sẽ giúp giảm giá hàng tiêu dùng, trong khi mở rộng xuất khẩu có thể thúc đẩy sản xuất trong nước và ngành nông nghiệp.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư vàng phải đối mặt với triển vọng khó đoán định hơn. Trong khi tăng trưởng kinh tế thường hỗ trợ giá hàng hóa, thì vai trò truyền thống của vàng như một hàng rào chống lạm phát và tài sản trú ẩn an toàn trở nên kém hấp dẫn hơn trong bối cảnh căng thẳng thương mại hạ nhiệt.
Những thỏa thuận này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế. Điều này cũng sẽ giúp duy trì hoặc giảm mức lạm phát hiện tại. Sự ổn định kinh tế và lạm phát được kiểm soát có thể tiếp tục gây áp lực giảm lên giá vàng, bất chấp đà tăng kéo dài nhiều năm qua.
Khi các chính sách bắt đầu được thực thi từ thứ Tư (14/5), thị trường sẽ theo dõi sát sao tác động của chúng đối với các chỉ số kinh tế, tỷ lệ lạm phát và lập trường của các ngân hàng trung ương, đây là những yếu tố then chốt quyết định xu hướng giá vàng trong thời gian còn lại của năm 2025.
D.Q
Kitco