Trang chủ Tin Tức Lạm phát giảm, tỷ giá ‘hạ nhiệt’: Lãi suất điều hành sẽ...

Lạm phát giảm, tỷ giá ‘hạ nhiệt’: Lãi suất điều hành sẽ ra sao trong thời gian tới?

5
0
Rate this post

Hiện tại, lãi suất tái cấp vốn của NHNN đang duy trì ở mức 4,5%/năm. Trong khi nhiều tổ chức tài chính quốc tế đã dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì mức lãi suất điều hành này cho đến hết năm 2024, thì một số chuyên gia cho rằng nhà điều hành sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng.
Tại phiên họp báo quý III chiều ngày 17/10, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước đang để ngỏ khả năng xem xét tiếp tục duy trì chính sách lãi suất hiện tại hoặc giảm lãi suất trong điều kiện vĩ mô thuận lợi.

Tỷ giá, lạm phát không còn là vấn đề lớn

Chính sách tiền tệ đang là vấn đề được nhiều chuyên gia quan tâm. Trên thị trường xuất hiện những ý kiến trái chiều. Có ý kiến cho rằng xuất hiện những yếu tố thuận lợi để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới lỏng chính sách tiền tệ, song cũng có chuyên gia dự báo NHNN sẽ duy trì mức lãi suất điều hành này cho đến hết năm 2024.

Mới đây Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu của Ngân hàng UOB (Singapore), cho rằng NHNN có khả năng sẽ áp dụng cách tiếp cận có trọng tâm hơn để hỗ trợ các cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 thay vì triển khai một công cụ rộng rãi trên toàn quốc như cắt giảm lãi suất.

NHNN để ngỏ khả năng giảm lãi suất điều hành trong điều kiện kinh tế vĩ mô thuận lợi.

“Do đó, chúng tôi dự đoán NHNN sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức hiện tại là 4,5% trong khi tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và các biện pháp hỗ trợ khác”, báo cáo nhận định.

UOB phân tích, có 2 yếu tố để hỗ trợ NHNN áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng có trọng tâm đó là lạm phát có dấu hiệu giảm bớt và sức mạnh của đồng USD dự kiến sẽ suy yếu. “Với lạm phát CPI có dấu hiệu giảm bớt, sức mạnh của đồng USD dự kiến sẽ suy yếu hơn nữa sau chính sách nới lỏng của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ và với những tác động tiêu cực lan rộng sau cơn bão Yagi, khả năng NHNN chuyển sang nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ được cân nhắc nhiều hơn so với trước đây”, báo cáo nhấn mạnh.

Về tỷ giá, Phó thống đốc NHNN đánh giá: “Trước đây, có thời điểm Đồng Việt Nam mất giá 5-6% so với USD nhưng đến nay chỉ còn khoảng 1-2%, là mức biến động rất thấp. Điều này đã tạo niềm tin cho thị trường, nhà đầu tư nước ngoài”.

Tương tự, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), lạm phát vẫn ở dưới ngưỡng mục tiêu 4,5%, cộng với áp lực tăng giá từ giờ đến cuối năm thấp là động lực để NHNN tiếp tục giữ lãi suất điều hành ở mức thấp – tức là tiếp tục giữ chính sách tiền tệ nới lỏng.

Tuy nhiên, vẫn có một số ý kiến cho rằng không nhất thiết phải thay đổi lãi suất điều hành. Theo PGS-TS. Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế (Trường đại học Kinh tế Quốc dân), lãi suất hiện nay phù hợp với tình hình chung, Ngân hàng Nhà nước không nên hạ lãi suất trong thời gian tới. Lãi suất trong nước phụ thuộc không chỉ vào chính sách của Fed, mà còn nhiều yếu tố khác, trong đó có tỷ lệ lạm phát.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cũng nhìn nhận, NHNN đã giảm lãi suất điều hành liên tục trong năm 2023. Chúng ta đã đi trước, đón đầu. Việc điều hành lãi suất của Việt Nam thời gian qua được nhiều chuyên gia kinh tế nói vui là “ngược đường, ngược nắng”, nhưng theo tôi rất phù hợp với bối cảnh sản xuất, kinh doanh của nước ta trong năm 2023, đặc biệt là 9 tháng đầu năm, khi nền kinh tế gặp nhiều bất lợi.

Từ ngày 16/6/2023 đến nay, lãi suất tái cấp vốn được duy trì ở mức 4,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu là 3%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng là 5%/năm. “Mặt bằng lãi suất điều hành phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh trong nước, nên không nhất thiết phải thay đổi lãi suất điều hành, vì thực tế lãi suất điều hành đã ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây”, ông Lực nói.

Để ngỏ quan điểm điều hành lãi suất

Đánh giá về tình hình thị trường, Phó thống đốc cho biết trong quý vừa qua, bối cảnh quốc tế đã có nhiều thuận lợi hơn cho các chính sách điều hành tiền tệ của NHNN. Trong đó, nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới giảm lãi suất đã giảm áp lực chính sách tiền tệ với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Trong nước, nền kinh tế đã và đang tích cực kể cả về tăng trưởng kinh tế, cũng như kiểm soát các mục tiêu vĩ mô lạm phát, tỷ giá.

Trong khi đó, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp cũng đã khởi sắc hơn, hầu hết doanh nghiệp đã giải quyết được các khó khăn cơ bản từ giai đoạn Covid-19, nhiều đơn hàng của các doanh nghiệp đã được nối lại, hoạt động kinh doanh được mở rộng.

Đến nay, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 9%, cao hơn nhiều so với cuối tháng 8 nhờ một số dự án lớn được giải ngân trong giai đoạn cuối quý III. Nếu so với cùng kỳ năm 2023, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế hiện đạt hơn 16%, vào khoảng 14,7 triệu tỷ đồng.

Ngược lại, tăng trưởng huy động vốn từ đầu năm của các tổ chức tín dụng đạt khoảng 5,28%.

Đánh giá về chính sách điều hành lãi suất từ đầu năm, Phó thống đốc cho biết NHNN đã giữ nguyên các mức lãi suất điều hành để tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp góp phần hỗ trợ nền kinh tế.

Đồng thời, nhà điều hành vẫn chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, công khai lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân… Nhờ đó, mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm so với cuối năm 2023.

Thông qua loạt yếu tố hỗ trợ của mình, NHNN thể hiện rõ quyết tâm đưa tăng trưởng tín dụng đạt được mức mục tiêu đề ra. Con số tăng trưởng tín dụng 15% được lãnh đạo NHNN tin tưởng có thể thực hiện được.

“Tôi cho rằng, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, mục tiêu tăng trưởng GDP, kiểm soát lạm phát là hoàn toàn có thể làm được”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ.

Đáng chú ý, ông Tú cho biết từ nay đến cuối năm, để đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, cũng như khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, nhà điều hành sẽ tiếp tục điều hành chính sách lãi suất, tỷ giá ổn định để đảm bảo hài hòa các chính sách.

“Quan điểm của NHNN là điều hành chính sách tiền tệ cởi mở để hỗ trợ được nhiều vốn hơn cho nền kinh tế. NHNN sẽ liên tục hỗ trợ vốn, đảm bảo thanh khoản cho các ngân hàng. Trong điều kiện kinh tế vĩ mô đảm bảo lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng, đảm bảo quan hệ tỷ giá, chúng tôi sẽ để ngỏ quan điểm điều hành lãi suất trong thời gian tới. Tín dụng vẫn sẽ tập trung cho các dự án trọng điểm, các dự án BOT, các chương trình tín dụng ngành, tín dụng chính sách…”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết thêm.

Huyền Anh

Nguồn: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/lam-phat-giam-ty-gia-ha-nhiet-lai-suat-dieu-hanh-se-ra-sao-trong-thoi-gian-toi-1103094.html

Bài trướcTin tức kinh tế ngày 17/10: giá vàng thế giới chạm ngưỡng cao nhất mọi thời đại
Bài tiếp theoGiá vàng hôm nay ngày 17/10 tăng dữ dội giá vàng nhẫn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây