Ước tính, từ đầu năm đến nay, khối ngoại bán ròng rã 85.000 tỷ đồng trên HoSE, kỷ lục từ khi vận hành thị trường chứng khoán Việt Nam. Tác nhân chính được cho là từ áp lực tỷ giá và thiếu hàng hóa mới chất lượng.
Liên tục trong khoảng 20 tháng, khối ngoại chỉ tạm dừng bán ròng trong duy nhất tháng 1/2024 và đã bán ròng hơn 85.000 tỷ đồng trên sàn chứng khoán TP.HCM (HoSE) từ đầu năm đến nay.
Tính riêng trong phiên 19/11, trên sàn HoSE, khối này bán ròng đến1.658 tỷ đồng, bị bán mạnh nhất là VHM -342 tỷ đồng, FPT -239 tỷ đồng, HDB – 208 tỷ đồng… Lực bán rền rã của nước ngoài, trong khi dòng tiền nội đang dè dặt khiến chỉ số tiếp tục chịu áp lực, giảm 11,97 điểm, lùi về 1.205 điểm. Thanh khoản trên HoSE về mức thấp, chỉ 13.200 tỷ đồng.
Nhân tố chính được giới chuyên gia cho rằng từ câu chuyện tỷ giá và thiếu hàng hóa mới chất lượng đã khiến thị trường Việt Nam chưa thể níu giữ dòng tiền khối ngoại ở lại thị trường.
Với vấn đề tỷ giá, VND mất giá so với USD tác động đến hiệu suất của các quỹ ngoại, làm hạn chế khả năng hút vốn. Dự báo xu hướng này vẫn còn tiếp diễn.
Báo cáo mới nhất của Dragon Capital cho thấy, tổng tiền gửi bằng USD trong hệ thống ngân hàng Việt Nam khoảng 39,5 tỷ USD, giảm từ con số 42 tỷ USD năm 2022. Dự trữ ngoại hối cũng giảm hơn 20 tỷ USD từ mức đỉnh 110 tỷ USD. Đồng thời, khoản trái phiếu quốc tế trị giá 1,1 tỷ USD sắp đáo hạn, cùng với việc doanh nghiệp và người dân gia tăng nắm giữ USD đã tạo áp lực ngắn hạn.
Báo cáo mới nhất của KIM cũng cho rằng, các chính sách hỗ trợ tăng trưởng của ông Donald Trump sẽ làm USD mạnh lên, gây áp lực lớn với VND. Đồng thời, tốc độ và mức độ cắt giảm lãi suất của Fed có thể bị hạn chế bởi các đề xuất của ông Donald Trump và kịch bản này có thể hạn chế khả năng tiếp tục giảm lãi suất của Việt Nam.
Câu chuyện dài hạn và căn cơ hơn, là thị trường chứng khoán Việt Nam thiếu hàng hóa mới chất lượng IPO, niêm yết lên sàn chứng khoán.
Ghi nhận trong vài năm nay, khá hiếm hoi các “gương mặt mới” trên thị trường, phần vì hồ sơ xét duyệt IPO/niêm yết chặt chẽ hơn, phần vì thị trường ảm đạm chưa thuận tiện cho công tác chào bán; bên cạnh đó, lộ trình IPO các Doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn, kinh doanh hiệu quả vẫn còn rất ít.
Thực tế ghi nhận trên thị trường chứng khoán cho thấy, nhiều doanh nghiệp tốt, sau khi IPO/niêm yết, rất được thị trường đón nhận; giai đoạn gần nhất có thể kể đến là họ cổ phiếu Viettel như VTP hiện thị giá 3 chữ số, ghi nhận mức giá ấn tượng; tương tự với CTR cũng gia nhập câu lạc bộ có thị giá cao nhất sàn chứng khoán…
Trong Lễ trao giải Cuộc Bình chọn Doanh nghiệp niêm yết, sự kiện trong khuôn khổ Hội nghị Doanh nghiệp niêm yết năm 2024 diễn ra cuối tuần qua, ông Bùi Hoàng Hải, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế mở, tổng giá trị xuất nhập khẩu có thể lên đến trên 160% GDP. Tuy nhiên, thị trường chúng ta thì như thế nào? Mặc dù năm nay số lượng tuyệt đối về tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam duy trì khoảng 47 tỷ USD, nhưng xét về con số tương đối, nhà đầu tư nước ngoài chỉ nắm giữ khoảng 16% tổng giá trị vốn hóa ngoài thị trường.
“Nếu so với các nước xung quanh có thể thấy, tỷ lệ này đang rất thấp, còn so với mức độ mở của nền kinh tế Việt Nam thì con số này tương đối hẹp”, ông Hải đánh giá.
Theo ông Hải, để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, Chính phủ đã tiến hành sửa quy đổi quy trình, quy chế như Thông tư 68… “Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, khi nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường thì chúng ta cần có hàng hóa. Vấn đề đầu tiên đặt ra là tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, tỷ lệ sở hữu tại nhiều doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài là bằng 0, do đó nhà đầu tư nước ngoài không thể tham gia”, ông Hải nói.
Phan Hằng
Nguồn: https://baodautu.vn/ky-luc-ban-rong-85000-ty-dong-cua-khoi-ngoai-ty-gia-va-cau-chuyen-thieu-hang-hoa-d230454.html