Trong phiên chiều 23/10, giá vàng nhẫn đã lập tiếp mốc đỉnh mới là 89 triệu đồng/lượng, ngang bằng giá vàng miếng SJC. Để ‘ghìm cương’ giá vàng nhẫn, một số chuyên gia tài chính cho rằng, Nhà nước cần có giải pháp cải thiện nguồn cung, giá vàng sẽ hạ nhiệt.
Nhu cầu mua vàng của người dân Việt Nam vẫn lớn khi vàng được coi như tài sản tích trữ, tiết kiệm.
Như vậy, so với cuối ngày 23/10, giá vàng nhẫn tăng tới 1,2 – 1,3 triệu đồng/lượng, lập kỷ lục mới tại mức 89 triệu đồng/lượng.
Thời gian qua, giá vàng nhẫn liên tục xác lập mốc kỷ lục mới, đắt chưa từng có trong lịch sử. Đáng chú ý, từng thấp hơn giá vàng miếng đến hơn chục triệu đồng/lượng, nhưng đến nay, giá vàng nhẫn đã ngang bằng giá vàng miếng và nguy cơ còn cao hơn.
Cuối giờ chiều 23/10, giá vàng nhẫn giao dịch tại Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn 87 – 88,5 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 700.000 đồng/lượng mua vào và 900.000 đồng/lượng bán ra so với sáng 23/10.
Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận giao dịch 87,6 – 88,9 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Đáng chú ý, Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji đưa giá vàng nhẫn ngang bằng với vàng miếng SJC với giá mua vào – bán ra là 88 – 89 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng miếng SJC không đổi, được doanh nghiệp niêm yết 87 triệu đồng/lượng (mua vào) và 89 triệu đồng/lượng (bán ra).
Nhiều ý kiến cho rằng: Để giảm sức “nóng” của vàng nhẫn, cần tăng cường cung ứng vàng miếng SJC trên thị trường, giúp người dân dễ dàng tiếp cận hơn. Điều này sẽ giúp cân bằng cung – cầu giữa các loại vàng, giảm áp lực lên giá vàng nhẫn. Ngoài ra, cần tuyên truyền thay đổi thói quen tích trữ của người Việt Nam; khuyến khích người dân chuyển từ thói quen tích trữ vàng sang tư duy đầu tư vào sản xuất, kinh doanh và khởi nghiệp…
Minh Phương/Báo Tin tức
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/gia-vang-nhan-tang-ngang-bang-vang-mieng-sjc-20241023172448065.htm