Trang chủ Giá Vàng Giá vàng hôm nay 25/7/2024: Giá vàng thế giới ‘bay qua vùng...

Giá vàng hôm nay 25/7/2024: Giá vàng thế giới ‘bay qua vùng nguy hiểm’, hoạt động như tài sản rủi ro; kim loại quý trong nước khan hiếm?

3
0
Rate this post

Giá vàng hôm nay 25/7/2024, giá vàng thế giới đã nhanh chóng ‘bay qua vùng nguy hiểm’ để trở lại trên ngưỡng 2.400 USD/ounce. Giới phân tích tin giá vàng an toàn trong ngắn hạn, triển vọng trong dài hạn, khi sức cầu và cả lực bắt đáy đều tăng mạnh.
BẢNG CẬP NHẬT TRỰC TIẾP GIÁ VÀNG HÔM NAY 25/7TỶ GIÁ HÔM NAY 25/7

Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 25/7/2024

Giá vàng trong nước tăng theo thị trường thế giới – đối với vàng nhẫn 9999.

Trong khi đó, giá vàng miếng SJC giữ nguyên sau khi giảm nửa triệu đồng cả hai chiều vào phiên đầu tuần, trở về mức “đồng giá” 77,50 – 79,50 triệu đồng tại các đơn vị được phép kinh doanh vàng miếng và 4 ngân hàng quốc doanh gồm Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank .

Giá vàng nhẫn phiên 24/7 tăng cao, biến động cùng chiều xu hướng tăng của thị trường thế giới.

Công ty VBĐQ Sài Gòn (SJC) tăng giá vàng nhẫn tròn 9999 thêm 100 nghìn đồng mỗi lượng ở cả chiều mua và bán so với chốt phiên hôm qua, hiện niêm yết ở mức 75,80 – 77,20 triệu đồng/lượng (mua – bán).

Tập đoàn Doji nâng giá vàng nhẫn tròn trơn 9999 cũng thêm 100 nghìn đồng ở cả chiều mua và bán lên giao dịch tại 76,00-77,25 triệu đồng/lượng (mua – bán).

Bảo tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn tròn 9999 ở ngưỡng 75,93 – 77,23 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra); tăng 50.000 đồng/lượng cả hai chiều.

Những ngày này, theo phản ảnh từ thị trường, việc mua vàng miếng SJC rất khó khăn do nhu cầu vẫn rất cao, trong khi nhà cung cấp bán ra chỉ có giới hạn, nên lượt đăng ký mua thường hết từ rất sớm. Các cửa hàng đều thông báo hết vàng miếng SJC. Tuy nhiên, việc mua vàng nhẫn gần đây cũng trở nên khó khăn, nhiều cửa hàng thông báo hết sạch vàng nhẫn, không thể mở cửa bán đều như cách đây khoảng 1 tuần.

Giá vàng thế giới tăng trở lại trên 2.400 USD/ounce sau cú thử nghiệm ở ‘vùng nguy hiểm’.

Liệu giá vàng có thực sự bảo vệ được mức 2.400 USD/ounce? Một số chuyên gia nhận định, trong các phiên tới, nếu duy trì được mức 2.400 USD/ounce, vàng rất có thể sẽ tạo ra một đợt tăng giá mạnh, thậm chí cán mốc kỷ lục tiếp theo là 2.500 USD/ounce.

Nhiều nhà kinh tế cho rằng, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất 2 lần ngay trong năm nay, với một lần vào tháng 9 và một lần vào tháng 12, khi nhu cầu tiêu dùng vững đưa đến cách tiếp cận thận trọng, dù lạm phát hạ nhiệt. Các nhà đầu tư đang chờ các số liệu quan trọng của Mỹ được công bố cuối tuần này, trong đó có GDP quý II/2024 vào ngày 25/7 và chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 6/2024 vào ngày 26/7.

Nhà phân tích thị trường Tim Waterer của KCM Trade cho rằng, nếu số liệu GDP hoặc PCE lõi, không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm, tích cực, vàng có thể chịu sức ép, khi đồng USD mạnh lên. Tuy nhiên, triển vọng ngắn hạn của giá vàng vẫn lạc quan, khi Fed có thể đã tiến gần đến quyết định hạ lãi suất.

Wang Tao, Nhà phân tích về kỹ thuật của Reuters nhận định, giá vàng giao ngay có thể phá ngưỡng kháng cự 2.417 USD/ounce và bứt lên mức 2.432 USD/ounce.

Ghi nhận của Báo Thế giới & Việt Nam, lúc 20h20 ngày 24/7 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới niêm yết tại sàn điện tử Kitcoở mức 2.416,70 USD/ounce, tiếp tục tăng 6,7 USD/ounce so với phiên giao dịch trước đó.

Trước đó, vàng đã có một đợt bán tháo mạnh sau khi đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rút khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng. Áp lực bán vàng gia tăng sau khi mặt hàng này tăng trước đó và giới đầu tư tranh thủ chốt lời trong bối cảnh họ muốn nghe ngóng thêm những đánh giá tác động về những chuyển biến chóng mặt trên chính trường thế giới.

Sự sụt giảm của nhiều thị trường chứng khoán cũng khiến vàng bị bán ra để bù đắp cho những hợp đồng mua bán cổ phiếu. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy đã nhanh chóng tăng trở lại với vàng. Sức cầu tăng khá mạnh mỗi khi vàng về ngưỡng hỗ trợ tâm lý 2.400 USD hoặc ngưỡng 2.395 USD/ounce.

Giá vàng hôm nay 25/7/2024: Giá vàng thế giới ‘bay qua vùng nguy hiểm’, bỗng thành tài sản rủi ro, trong nước kim loại quý khan hiếm? (Nguồn: AP)

Tổng hợp giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên 24/7 ổn định:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết tại 77,50 – 79,50 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết tại: 77,50 – 79,50 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 77,50 – 79,50 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Vàng bạc Phú Quý niêm yết tại 77,50 – 79,50 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 77,50 – 79,50 triệu đồng/lượng.

Tỷ giá trung tâm ngày 24/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 24.264 đồng/USD. Tỷ giá USD ở các ngân hàng thương mại được niêm yết phổ biến ở mức 25.147 – 25.477 đồng/USD (mua vào – bán ra). Theo đó, giá vàng thế giới quy đổi ở mức hơn 74,6 triệu đồng/lượng (bao gồm thuế và phí), thấp hơn khoảng 4,9 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.

Một số yếu tố đang đẩy giá vàng lên mức cao mới

Theo vị chuyên gia kỳ cựu Sadiq Adatia, Giám đốc đầu tư tại BMO Global Asset Management, kim loại màu vàng đang mang lại kiểu lợi nhuận như một tài sản rủi ro, hơn là nơi trú ẩn an toàn như truyền thống. Tuy nhiên, sức hấp dẫn truyền thống của vàng vẫn còn nguyên, thậm chí còn được tăng thêm trong các trường hợp lựa chọn đầu tư.

Chuyên gia Adatia nhận định: “Vàng gần đây đã không hoạt động giống như truyền thống. Thông thường, vàng được lựa chọn là một biện pháp phòng ngừa lạm phát, hay phòng ngừa chống lại đồng USD và nó thường phản ứng với lợi suất trái phiếu Mỹ. Nhưng những gì chúng tôi thấy trong nửa đầu năm là vàng rất mạnh và đồng USD cũng vậy, nó tăng giá ngay cả khi không có tâm lý e ngại rủi ro.

Theo vị Giám đốc đầu tư tại BMO, mọi người đang nắm giữ vàng vì nhiều lý do khác nhau chứ không chỉ vì lý do truyền thống. Các công ty và quốc gia giàu có có chủ quyền đang mua vàng như một phương tiện lưu trữ giá trị cho các loại tiền tệ khác. Thật vậy, vàng thực sự đã vượt trội so với S&P 500 trong sáu tháng qua, ngay cả khi thị trường chứng khoán liên tiếp thiết lập mức cao nhất mọi thời đại trong bối cảnh đợt tăng giá gần đây, kim loại màu vàng tăng 20% trong khi S&P tăng 18%.

Chuyên gia Adatia cho biết, có một số yếu tố đẩy vàng lên mức cao mới, bao gồm lo ngại kéo dài về khả năng xảy ra suy thoái kinh tế, lực mua của ngân hàng trung ương và lãi suất ngày càng tăng từ các quỹ đầu tư quốc gia.

Người tiêu dùng cũng đang mua nhiều vàng hơn. Họ đang nắm giữ nó vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có cả những lý do thông thường, lo lắng về sự suy thoái kinh tế hoặc sự suy yếu của người tiêu dùng, nhu cầu bảo vệ chống lại sự biến động của thị trường, lạm phát và biến động của đồng USD. Những điều này đã làm tăng cơ hội cho vàng lên đáng kể.

Trong khi đó, hiện, lực cầu đối với mặt hàng kim loại quý này vẫn rất mạnh. Ấn Độ vừa có quyết định giảm thuế nhập khẩu vàng từ mức 15% xuống còn 6%. Trong khi đó, Trung Quốc được cho là vẫn đẩy mạnh mua vàng. Trước đó, Trung Quốc và Ấn Độ là hai nền kinh tế đã góp phần đẩy vàng lên mạnh vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024 khi liên tục mua ròng vàng.

Vào cuối tháng 6 vừa qua, các nhà phân tích hàng hóa tại BMO Capital Markets đã nâng dự báo giá vàng lên 5% vì họ không kỳ vọng kim loại quý này sẽ giảm xuống dưới 2.000 USD/ounce trong 4 năm tới. Tầm nhìn đến năm 2025, BMO nhận thấy, giá vàng trung bình vào khoảng 2.200 USD/ounce, tăng 5% so với ước tính trước đó là 2.100 USD/ounce.

(theo Kitco News, Reuters)

Minh Anh

Nguồn: https://baoquocte.vn/gia-vang-hom-nay-2572024-gia-vang-the-gioi-bay-qua-vung-nguy-hiem-hoat-dong-nhu-tai-san-rui-ro-kim-loai-quy-trong-nuoc-khan-hiem-279836.html

Bài trướcSóng ngầm trên thị trường vàng
Bài tiếp theoGiá vàng hôm nay 25/7: Tiếp tục tăng mạnh?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây