Giá vàng hôm nay 14/8/2024: Giá vàng thế giới. Giá vàng trong nước bất ngờ tăng mạnh, đặc biệt với vàng nhẫn 9999 tăng tới 1,5 triệu đồng/lượng. Trong bối cảnh địa chính trị bất ổn và bất định, nhiều nền kinh tế mạnh tay gom vàng, giới trong ngành dự đoán kim loại quý sẽ sớm vượt mốc 2.500 USD/ounce.
BẢNG CẬP NHẬT TRỰC TIẾP GIÁ VÀNG HÔM NAY 14/8 và TỶ GIÁ HÔM NAY 14/8
Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 14/8/2024
Giá vàng thế giới nối đà tăng từ đêm qua, tăng dựng đứng.
Giá vàng thế giới vừa có phiên tăng vọt lên 2.477 USD/ounce, gần chạm đỉnh lịch sử 2.484 USD/ounce. Kim loại quý đang được nhiều chuyên gia dự báo sẽ sớm vượt mốc 2.500 USD/ounce.
Ghi nhận của Báo Thế giới & Việt Nam, lúc 21h00 ngày 13/8 (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao dịch trên sàn kitco tại 2.475,60 USD/ounce, tiếp tục trong xu hướng tăng, hiện tăng 1,7 USD so với phiên giao dịch liền trước.
Thị trường vàng đang phục hồi sau khi dữ liệu mới nhất cho thấy các nhà sản xuất Mỹ chứng kiến áp lực giá giảm trong tháng trước. Bộ Lao động Mỹ công bố Chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng 0,1% trong tháng 7, sau mức tăng 0,2% của tháng 6.
Giá vàng tăng sau dữ liệu lạm phát tốt hơn dự kiến, theo đó, dữ liệu lạm phát mới nhất phù hợp với kỳ vọng, khi các nhà kinh tế dự kiến mức tăng 0,1%.
Lý do giá vàng tăng phi mã còn được lý giải là nhờ lực cầu trú ẩn an toàn do lo ngại bất ổn địa chính trị gia tăng, đặc biệt là tình hình căng thẳng tại Trung Đông leo thang. Cùng với đó, kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiến hành nới lỏng chính sách tiền tệ tại cuộc họp tiếp theo cũng đã tiếp thêm yếu tố hỗ trợ đẩy giá cho kim loại màu vàng. Nếu Fed nới lỏng chính sách tiền tệ, đồng USD trở nên yếu hơn, cũng là lợi thế cho thị trường vàng.
Tổng giám đốc Marc Chandler của Bannockburn Global Forex, cho biết, thông tin được thị trường mong chờ nhất là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 của kinh tế Mỹ, nhiều khả năng sẽ không thay đổi so với cùng kỳ năm trước. Điều này giúp Fed có thể cắt giảm lãi suất vào tháng 9.
Thị trường tài chính đang tiềm ẩn nhiều rủi ro khi các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc chưa tăng trưởng ổn định, từ đó giúp vàng ngày càng hấp dẫn hơn các kênh đầu tư khác. Cùng với đó, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào cuối năm cũng sẽ kết thúc. Dự báo giá vàng thế giới sẽ tăng lên mức lịch sử mới, vượt qua ngưỡng 2.500 USD/ounce vào cuối năm.
Giá vàng trong nước theo chân giá thế giới, bất ngờ bật tăng rất mạnh.
Giá vàng miếng SJC bật tăng mạnh vào phiên giao dịch ngày 13/8, với mức tăng lên tới 1,5 triệu đồng/lượng, có lúc cán mốc 78,50 triệu đồng/lượng mua vào và 80,00 triệu đồng/lượng bán ra. Kể từ ngày 19/7 đến nay, đây là phiên tăng giá mạnh nhất của giá vàng miếng SJC
Theo đó, chốt phiên giao dịch, giá vàng miếng SJC được niêm yết đồng loạt ở mức giá 78,00 – 80,00 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra) tại tại Tập đoàn Doji, Công ty VBĐQ Sài Gòn, Tập đoàn Phú Quý, Hệ thống Bảo tín Minh Châu…
Giá vàng hôm nay 14/8/2024: Giá vàng tăng vùn vụt, BRICS mạnh tay gom hàng bất chấp giá kỷ lục. (Nguồn: Kitco)
Giá vàng nhẫn tròn trơn 9999 cũng đồng loạt tăng mạnh thêm 500-600 nghìn đồng/lượng vào đầu ngày 13/8. Giá bán ra leo lên mốc 78 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, tại Công ty VBĐQ Sài Gòn, giá vàng nhẫn trơn được niêm yết ở mức 76,60 – 78,00 triệu đồng/lượng. Tập đoàn DOJI áp mức giá 76,65 – 77,90 triệu đồng/lượng. Bảo Tín Minh Châu niêm yết 76,68-77,88 triệu đồng/lượng. Trong khi, Tập đoàn PNJ niêm yết tại 76,60 – 77,90 triệu đồng/lượng.
Tỷ giá trung tâm ngày 13/8được Ngân hàng Nhà nước công bố là 24.256 đồng/USD, không đổi so với phiên giao dịch trước đó. Giá USD ở các ngân hàng thương mại ngày 13/8 được niêm yết phổ biến ở mức 24.920 – 25.290 đồng/USD (mua vào – bán ra).
Bất chấp mức giá kỷ lục, BRICS mạnh tay gom vàng
Theo một nghiên cứu của Atlantic Council, trong khi các loại tiền tệ đang phải vật lộn để giành được ưu thế so với đồng USD, vàng trở thành mặt hàng được các thành viên BRICS ưa chuộng, trong bối cảnh những biến động địa chính trị thế giới phức tạp và nổi lên ở nhiều nơi.
“Các thị trường mới nổi đã thúc đẩy sự gia tăng trong hoạt động mua vàng gần đây”, báo cáo của Atlantic Council cho biết. Theo đó, kể từ năm 2018, tất cả các thành viên BRICS đều tăng lượng vàng nắm giữ với tốc độ nhanh hơn so với phần còn lại của thế giới, mặc dù giá vàng ở mức cao kỷ lục. Nhiều nền kinh tế tiên tiến đã tích lũy lượng vàng dự trữ lớn qua nhiều thế kỷ và tiếp tục giữ lại trong thế kỷ 20 để duy trì bản vị vàng sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc”, các tác giả báo cáo cho biết.
Trong khi đó, các cuộc khảo sát gần đây cho thấy, các nền kinh tế tiên tiến hiện đang có kế hoạch tăng lượng vàng nắm giữ để phòng ngừa rủi ro do các cú sốc kinh tế. Điều này chắc chắn sẽ tiếp tục làm tăng nhu cầu vàng toàn cầu trong vài năm tới. Các thị trường mới nổi có xu hướng giữ phần lớn dự trữ của họ bằng ngoại hối, nhưng đã tăng đều đặn tỷ trọng vàng trong thời gian gần đây.
Cụ thể hơn, báo cáo của Atlantic Council lưu ý rằng, tỷ trọng vàng trong danh mục dự trữ quốc tế “bắt đầu tăng vào năm 2019 và tăng tốc sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tăng từ khoảng 10% lên gần 16% như hiện nay. Các ngân hàng trung ương hiện nắm giữ tổng cộng hơn 35.000 tấn vàng, chiếm gần 20% tổng lượng vàng từng được khai thác.
Các lý do khiến các ngân hàng trung ương tại các thị trường mới nổi như BRICS mua vàng, bao gồm thực tế là kim loại quý này “cung cấp các lựa chọn khi đối mặt với rủi ro địa chính trị; cung cấp một biện pháp phòng ngừa lạm phát; được coi là tài sản trú ẩn an toàn, đặc biệt là trong thời điểm suy thoái kinh tế rộng lớn hơn vì nó đã giữ giá trị trong nhiều thế kỷ và không chịu bất kỳ rủi ro tín dụng nào; và nó cung cấp một biện pháp phòng ngừa trước những biến động giá trị đồng USD”, báo cáo viết.
(theo Kitco News)
Minh Anh
Nguồn: https://baoquocte.vn/gia-vang-hom-nay-1482024-gia-vang-tang-vun-vut-brics-manh-tay-gom-hang-bat-chap-gia-ky-luc-nhu-cau-chac-chan-chi-tang-khong-giam-282384.html