Giá vàng hôm nay 14/10/2024: Giá vàng vẫn tăng trở lại sau mỗi phiên điều chỉnh, do được giới đầu tư coi là thời điểm để tranh thủ mua vào. Thị trường kim loại quý đã chứng minh trên thực tế khả năng phục hồi và động lực tăng giá đáng kinh ngạc, thu hút sự tham gia của cả các nhà đầu tư và các nhà phân tích thị trường.
TRỰC TIẾP GIÁ VÀNG HÔM NAY 14/10 và TỶ GIÁ HÔM NAY 14/10
Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 14/10/2024
Giá vàng thế giới tăng rất mạnh, cùng đồng USD cao nhất hai tháng.
Ghi nhận trong phiên cuối cùng của tuần qua, giá vàng tăng gần 30 USD, sau chỉ hai phiên liên tiếp, thị trường lên tới 50 USD.
Ghi nhận của Báo Thế giới & Việt Nam, giá vàng quốc tế chốt phiên giao dịch tuần qua (11/10) trên Kitco News, lên 2,656.70 – 2,657.70 USD/ounce, tăng 26,8 USD/ounce so với phiên giao dịch liền trước.
Như vậy, kim loại quý tiếp tục thách thức các tỷ lệ cược, khi các đợt điều chỉnh nông liên tục được giới đầu tư tranh thủ để mua vào. Trong khi, các nhà phân tích cho rằng, giới đầu tư vàng có mọi lý do để chốt lời, vì kỳ vọng về chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục dao động mạnh.
Kỳ vọng về việc Fed tiếp tục nới lỏng chính sách mạnh mẽ đã giảm đáng kể, nhưng các nhà phân tích lưu ý rằng, sự thay đổi của thị trường vàng mạnh mẽ hơn nhiều so với một quyết định chính sách tiền tệ duy nhất. Mặc dù có thể không sớm thấy thêm một đợt cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản nữa, nhưng rõ ràng Fed sẽ tiếp tục nới lỏng lãi suất, ngay cả khi lạm phát vẫn ở mức cao.
Số liệu lạm phát của nền kinh tế Mỹ đã giúp củng cố khả năng Cục Dự trữ liên bang (Fed) giảm lãi suất trong cuộc họp chính sách tháng 11, từ đó tiếp tục kéo giá vàng lên cao hơn. Nhu cầu trú ẩn đối với kim loại quý cũng được duy trì do căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông vẫn leo thang, trong khi xung đột Nga-ukraine vẫn dai dẳng chưa thấy hồi kết.
Fed vẫn đang được dự báo giảm lãi suất thêm 2 lần, mỗi lần 25 điểm cơ bản (0,25%) trong năm nay. Nền kinh tế Mỹ được đánh giá vẫn tương đối mạnh. Tuy nhiên, Fed vẫn phải cân nhắc giảm lãi suất do một số lĩnh vực giảm tốc nhanh, như bất động sản. Chỉ số giá sản xuất (PPI) gần như không đổi trong tháng 9, trong khi Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) công bố ngày 10/10, cho thấy giá cả tăng thấp nhất kể từ đầu năm 2021, thêm củng cố kỳ vọng Fed giảm lãi suất tháng tới.
Rủi ro chính với kịch bản tích cực này là khả năng lạm phát bất ngờ tăng tốc trở lại, buộc Fed phải thu hẹp quy mô cắt giảm lãi suất dự kiến. Do đó, đồng USD đắt thêm và lãi suất có thể gây bất lợi cho vàng.
Cuối cùng, cho dù là do áp lực lạm phát dai dẳng, sự suy yếu của đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ của thế giới hay sự kết hợp của cả hai, thì vàng vẫn kiên cường so với đồng USD. Và trong một thế giới liên tục đứng bên bờ vực của sự bất ổn kinh tế, không có gì ngạc nhiên khi các nhà đầu tư tiếp tục tìm kiếm cơ hội mua vàng với giá chiết khấu.
Giá vàng trong nước giữ vững ở mức cao.
Giá vàng miếng SJC chốt phiên tuần qua giữ mức giá 82,5 – 84,5 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra) tại các thương hiệu kinh doanh lớn như Công ty VBĐQ Sài Gòn, Tập đoàn DOJI, Phú Quý và Bảo tín Minh Châu…
Giá vàng nhẫn tròn trơn 9999 dao động theo xu hướng của vàng thế giới. Chốt tuần qua, Công ty VBĐQ Sài Gòn công bố giá vàng nhẫn ở 82 – 83,3 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra); Tập đoàn DOJI niêm yết ở mức 82,85- 83,6 triệu đồng/lượng; Vàng nhẫn trơn giao dịch tại Bảo Tín Minh Châu ở 82,52 – 83,42 triệu đồng/lượng….
Giá vàng hôm nay 14/10/2024: Giá vàng tăng thách thức mọi dự đoán, Fed sẽ tiếp tục hạ lãi suất, các kịch bản thiết lập kỷ lục mới. (Nguồn: Kitco)
Tổng hợp giá vàng miếng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại các thời điểm chốt phiên giao dịch cuối tuần qua (12/10):
Công ty VBĐQ Sài Gòn: Vàng miếng SJC 82,5 – 84,5 triệu đồng/lượng; vàng nhẫn SJC 81,6 – 83,0 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Doji: Vàng miếng SJC 82,5 – 84,5 triệu đồng/lượng; Nhẫn tròn 9999 (Hưng Thịnh Vượng) 82,55 – 83,45 triệu đồng/lượng.
Hệ thống PNJ: Vàng miếng SJC 82,5 – 84,5 triệu đồng/lượng; Vàng nhẫn trơn PNJ 999.9 ở mức 82,3 – 83,3 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Vàng bạc Phú Quý: Vàng miếng SJC: 82,5 – 84,5 triệu đồng/lượng; vàng nhẫn tròn Phú Quý 999.9: 82,5 – 83,45 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại 82,5 – 84,5 triệu đồng/lượng; vàng nhẫn trơn giao dịch tại 82,52 – 83,42 triệu đồng/lượng.
Giá vàng sẽ thiết lập các mức kỷ lục mới?
Có thể thấy rõ tác động từ sự thay đổi chính sách tiền tệ của Fed trên thị trường toàn cầu trong thời gian này, qua việc các nhà đầu tư Bắc Mỹ – những người đã bị bỏ lỡ cơ hội rất nhiều trong năm nay, “quay xe” dẫn đầu dòng tiền đổ vào các quỹ giao dịch được “đảm bảo” bằng vàng. Tháng trước, 1,36 tỷ USD vàng đã chảy vào các quỹ niêm Bắc Mỹ, so với dòng tiền đầu tư toàn cầu chỉ là 1,4 tỷ USD, Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho biết.
Đây là hành động điển hình mà chúng ta đã thấy trên thị trường vàng và các nhà phân tích của WGC lưu ý rằng, xu hướng này vẫn còn tương đối mới. Giá vàng đã tăng 6% trong sáu tháng đầu tiên của một chu kỳ Fed nới lỏng chính sách mới.
Nhưng đừng quên rằng, chính sách tiền tệ của kinh tế Mỹ mới chỉ là một yếu tố hỗ trợ vàng. Các ngân hàng trung ương vẫn tiếp tục là người mua ròng kim loại màu vàng, ngay cả khi Trung Quốc đã không tham gia trong 5 tháng qua—ít nhất là về mặt công bố chính thức.
Như vậy, khi nhu cầu của các ngân hàng trung ương tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trên thị trường, những câu hỏi mới đang được đặt ra về việc tất cả số tiền đó sẽ đi đâu? Không khó để tin rằng, các ngân hàng trung ương đang mua vàng một cách bí mật. Trong Báo cáo xu hướng toàn cầu mới nhất của mình, WGC lưu ý – 67% ước tính về lượng mua của các ngân hàng trung ương đã không được báo cáo trong quý II/2024.
Chẳng hạn, Nga có thể được thêm vào danh sách các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục mua vàng trong 3 năm tới, như một phần của chương trình bổ sung kho kim loại quý trị giá 51 tỷ Ruble (khoảng 535,5 triệu USD). Hay Saudi Arabia đã mua 160 tấn vàng kể từ năm 2022, theo thông tin từ nhà phân tích kim loại quý Jan Nieuwenhuijs.
Trong khi đó, dự trữ tại các quỹ ETF vàng cũng tăng 95 tấn trong quý III/2024. Đây là lần đầu tiên trong 10 quý, nhóm này được kỳ vọng làm tăng nhu cầu vàng, Commerbank cho biết.
Trên thị trường vật chất, nhà buôn vàng tại Ấn Độ tuần này lần đầu nâng giá trong 2 tháng, do mùa lễ hội ở quốc gia châu Á này sắp đến. Nhu cầu mua vàng trang sức tại đây sẽ cao lên. Ấn Độ hiện là thị trường tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới.
Như vậy, thị trường kim loại quý đã chứng minh trên thực tế khả năng phục hồi đáng kinh ngạc và động lực tăng giá, thu hút cả các nhà đầu tư và các nhà phân tích thị trường. Hành trình lên tầm cao mới của kim loại quý này bắt đầu vào ngày 26/7/2023, với sự khởi đầu có vẻ không đáng chú ý nhưng đã tạo tiền đề cho một trong những đợt tăng giá ngoạn mục nhất trong lịch sử vàng.
Theo dự báo của Bộ phận Nghiên cứu Thị trường và kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB, kim loại quý có thể đối diện với các đợt điều chỉnh trong ngắn hạn. Tuy nhiên, kịch bản giá vàng sẽ thiết lập các mức kỷ lục mới, có thể lên 2.700 USD một ounce trong quý IV/2024 và đạt 2.800 USD vào đầu năm sau. Thậm chí, kim loại quý có thể đạt 3.000 USD một ounce vào quý III/2025.
Chiến lược gia thị trường cấp cao Daniel Pavilonis tại RJO Futures cũng dự báo giá vàng chạm 3.000 USD vào năm 2025, do căng thẳng địa chính trị, lo ngại lạm phát và bất ổn liên quan đến bầu cử Tổng thống Mỹ.
(theo Kitco News)
Minh Anh
Nguồn: https://baoquocte.vn/gia-vang-hom-nay-14102024-gia-vang-tang-thach-thuc-moi-du-doan-fed-tiep-tuc-ha-lai-suat-ky-luc-moi-lai-duoc-thiet-lap-289928.html