Năm nay, giá vàng thế giới đã tăng hơn 33% và có gần 40 lần lập kỷ lục…
Ảnh minh họa – Ảnh: Bloomberg.
Giá vàng thế giới tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (24/10), lấy lại một phần mất mát của phiên giảm trước đó, nhờ lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và tỷ giá đồng USD cùng đi xuống. Ngoài ra, nhu cầu phòng ngừa rủi ro do căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông và những bất định xung quanh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần cũng tiếp tục hỗ trợ giá vàng.
Lúc đóng cửa tại thị trường New York, giá vàng giao ngay tăng 20,5 USD/oz so với mức chốt của phiên trước, tương đương tăng 0,75%, chốt ở mức 2.736,3 USD/oz – theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco.
Gần 8h sáng nay (25/10) theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á giảm 4,4 USD/oz so với đóng cửa phiên Mỹ, tương đương giảm 0,16%, giao dịch ở mức 2.731,9 USD/oz. Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương khoảng 83,8 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.
Đầu giờ sáng nay, Vietcombank báo giá USD ở mức 25.203 đồng (mua vào) và 25.473 đồng (bán ra), tăng tương ứng 13 đồng và 11 đồng so với cùng thời điểm ngày hôm qua.
“Những gì chúng ta đang chứng kiến là vàng tiếp tục được xem là một tài sản quan trọng để phòng ngừa rủi ro lạm phát, cũng như một hầm trú ẩn an toàn. Bởi thế, giá vàng đang được hỗ trợ rất tốt”, Giám đốc phụ trách giao dịch kim loại của công ty High Ridge Futures – ông David Meger – nhận xét với hãng tin Reuters. “Những bất định trước thềm bầu cử ở Mỹ là một trụ cột nữa hỗ trợ thị trường vàng, xét tới cảm giá bất an của thị trường trước sự kiện này”.
Giới chuyên gia cho rằng dù cựu Tổng thống Donald Trump hay Phó tổng thống Kamala Harris trúng cử, thâm hụt ngân sách và nợ liên bang sẽ tăng cao, kéo theo lạm phát tăng, từ đó tạo ra một môi trường có lợi cho sự tăng giá của vàng trong dài hạn. Đặc biệt, nếu ông Trump tái đắc cử, mức thâm hụt ngân sách của Mỹ sẽ càng lớn hơn và nợ công của Mỹ có thể tăng lên tới mức không bền vững.
Về tình hình Trung Đông, các cuộc giao tranh vẫn diễn ra bất chấp nỗ lực dàn xếp của Mỹ.
Diễn biến giá vàng thế giới 1 tháng qua. Đơn vị: USD/oz – Nguồn: Trading Economics.
Trước mắt, chính sách tiền tệ nới lỏng của các ngân hàng trung ương lớn cũng đang là một nhân tố quan trọng khác đưa vàng tăng giá. Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, thị trường đang đặt cược khả năng gần 97% Fed sẽ giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 11 và khả năng hơn 3% Fed không giảm lãi suất trong lần họp này.
Năm nay, giá vàng thế giới đã tăng hơn 33% và có gần 40 lần lập kỷ lục. Gần đây, giá vàng đương đầu với áp lực giảm từ xu hướng tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và tỷ giá đồng USD, nhưng điều đó không cản được việc giá vàng lập đỉnh cao lịch sử mới.
“Mối lo về triển vọng nợ công của Mỹ đang củng cố lý do để đầu tư vào vàng”, một báo cáo của ngân hàng ANZ viết.
Phiên ngày thứ Năm, giá vàng còn được hỗ trợ khi cả lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và tỷ giá đồng USD cùng đi xuống.
Hôm thứ Tư, lợi suất của trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc vượt mốc 4,25%. Cuối phiên ngày thứ Năm, lợi suất của kỳ hạn này giảm về 4,2%.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD chốt phiên ở mức 104,6 điểm, từ mức 104,43 điểm của phiên trước.
Giá bạc giảm hơn 0,1%, chốt phiên ở mức 33,76 USD/oz. Hôm 22/10, giá bạc đạt mức cao nhất kể từ cuối năm 2012.
“Bạc chính là vàng của người nghèo. Tôi cho rằng giá bạc vẫn còn nhiều cơ hội để tăng. Giá vàng đang gần kỷ lục trong khi giá bạc còn thấp hơn nhiều so với kỷ lục”, nhà phân tích cấp cao Jim Wyckoff của trang Kitco Metals nhận định.
Điệp Vũ
Nguồn: https://vneconomy.vn/gia-vang-hoi-manh-khi-loi-suat-trai-phieu-va-ty-gia-usd-cung-giam.htm