Trang chủ Giá Vàng Có sẵn 680.000 tỷ tăng lương; bất thường vàng nhẫn ‘vượt mặt’...

Có sẵn 680.000 tỷ tăng lương; bất thường vàng nhẫn ‘vượt mặt’ SJC

3
0
Rate this post

Dòng vốn FDI cao kỷ lục ‘chảy’ vào Việt Nam; 680.000 tỷ đồng cải cách tiền lương sẵn trong kho bạc để chi dần trong 2 năm; bất thường khi giá vàng nhẫn vượt vàng miếng SJC; Tổng Công ty Xi măng lỗ nặng; doanh nghiệp bia, nước ngọt lo bị sốc?… là những thông tin đáng chú ý trong tuần qua.
Thấy gì từ dòng vốn FDI cao kỷ lục ‘chảy’ vào Việt Nam?

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm nay, vốn FDI thực hiện tại nước ta ước đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua.

Tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023.

“Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến đầu tư quan trọng trong trung và dài hạn, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra quá trình tái cấu trúc. Chất lượng các dự án đầu tư có sự cải thiện đáng kể. Nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng được đầu tư mới và mở rộng vốn”, thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bắc Ninh dẫn đầu về thu hút FDI.

Vốn FDI tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế về cơ sở hạ tầng, nhân lực ổn định, thủ tục hành chính, xúc tiến đầu tư năng động. Đối tác truyền thống của Việt Nam chủ yếu thuộc châu Á như Singapore, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc, Trung Quốc…

Bắc Ninh vượt lên dẫn đầu do có dự án điều chỉnh vốn lớn 1,07 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư đăng ký lên gần 2,58 tỷ USD, chiếm 17% tổng vốn đầu tư cả nước. Đây là dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn của nhà đầu tư Singapore.

680.000 tỷ đồng cải cách tiền lương: Tiền sẵn trong kho bạc, chi dần trong 2 năm

Thực hiện lộ trình cải cách tiền lương, từ ngày 1/7, lương cơ sở tăng 30%, tương đương từ mức 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng. Bộ Tài chính cho biết, hiện nay ngân sách đã để dành được 680.000 tỷ đồng cho cải cách tiền lương.

Ngày 10/7, trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo Cục Quản lý Ngân quỹ – Kho bạc Nhà nước cho biết, số tiền cải cách tiền lương này nằm trong tồn quỹ của từng cấp ngân sách (ngân sách cấp huyện, tỉnh, Trung ương – PV). Phần tiền dùng cải cách tiền lương của địa phương sẽ nằm trong tồn quỹ ngân sách địa phương, của bộ ngành Trung ương nằm ở Trung ương. Từ năm 2019, mỗi năm ngân sách Nhà nước dành một phần cho chương trình cải cách tiền lương.

“Kho bạc Nhà nước quản lý tiền ngân quỹ, trong đó có khoản tiền chi cải cách tiền lương. Khi có quyết định, hồ sơ, chứng từ chi cải cách tiền lương của các đơn vị gửi sang, Kho bạc Nhà nước thanh toán theo yêu cầu”, lãnh đạo Cục Quản lý Ngân quỹ cho biết.

Khoản tiền 680.000 tỷ đồng cho cải cách tiền lương do Kho bạc Nhà nước quản lý và được gửi ở các ngân hàng thương mại quốc doanh. Ảnh minh họa: NY.

Theo vị đại diện, tiền ngân quỹ nhà nước được gửi tại ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm cổ phần chi phối. Các ngân hàng trong danh sách nhận tiền gửi ngân quỹ nhà nước phải đáp ứng tiêu chí của Bộ Tài chính, được Ngân hàng Nhà nước đánh giá đáp ứng an toàn vốn và phải tham gia đấu thầu về lãi suất.

Dự kiến, khoản tiền 680.000 tỷ đồng sẽ chi cải cách tiền lương cả giai đoạn 2024 -2026. Tại dự toán công khai ngân sách năm 2024, Bộ Tài chính cho biết, tổng chi ngân sách 2,119 triệu tỷ đồng, trong đó riêng chi cải cách tiền lương và điều chỉnh tiền lương, một số chế độ trợ cấp, phụ cấp, chính sách an sinh xã hội 74.048 tỷ đồng.

Bất thường khi giá vàng nhẫn vượt vàng miếng SJC

Vào lúc 14h ngày 12/7, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá nhẫn tròn trơn lên 76,15 – 77,4 triệu đồng/lượng mua vào – bán ra, tăng 600.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng. Bảo Tín Minh Châu cũng điều chỉnh tăng giá vàng nhẫn lên mức 75,88 – 77,18 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, vàng miếng SJC tiếp tục đi ngang ở mức 75,48 – 76,98 triệu đồng/lượng mua vào – bán ra. Mức này duy trì trong một tháng qua, khi Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên giá bán can thiệp cho SJC và 4 ngân hàng quốc doanh ở mức 75,98 triệu đồng/lượng. Như vậy, đây là lần đầu tiên sau nhiều năm vàng nhẫn trong nước lên cao hơn so với vàng miếng SJC gần nửa triệu đồng/lượng (tùy doanh nghiệp).

Giá vàng nhẫn ngày 12/7 cao hơn vàng SJC, các chuyên gia cho rằng đây là điều bất thường.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “Đây là một hiện tượng khá bất thường bởi vàng nhẫn không có tính thanh khoản cao như vàng miếng. Vàng miếng là loại vàng người dân đầu tư tiết kiệm để dành và có tính thanh khoản như tiền, bởi bất cứ khi nào cần tiền mặt, người dân có thể bán vàng hoán đổi ra tiền nhanh chóng”.

Tại thời điểm này, vàng miếng rất khó mua, kể cả khi Ngân hàng Nhà nước bán vàng qua 4 ngân hàng quốc doanh (Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank).

“Số lượng vàng bán ra rất hạn chế nên người dân không mua được vàng miếng nên chuyển sang mua vàng nhẫn. Điều này chứng tỏ nhu cầu về mua vàng của người dân rất lớn”, ông Hiếu nói.

Tổng Công ty Xi măng Việt Nam lỗ nặng

Ông Hà Quang Hiện – Chánh Văn phòng Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) – cho biết, doanh nghiệp lỗ do nhiều nguyên nhân từ thị trường trong nước và thế giới. VICEM đang tự đưa ra các giải pháp để giảm lỗ từ nay đến cuối năm.

Ông Hiện lý giải, ảnh hưởng tình hình thế giới, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi, nguồn cung xi măng vượt xa so với nhu cầu; giá nguyên, nhiên liệu đầu vào vẫn ở mức cao. Tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sụt giảm, tồn kho tăng cao, một số nhà máy phải giảm năng suất hoặc dừng lò.

Ông Hiện cho biết, VICEM cách đây nửa tháng có cuộc họp với Thủ tướng về những khó khăn của ngành. Thủ tướng chỉ đạo về giải pháp gỡ như làm cầu cạn xây cao tốc, nhà ở xã hội… Tuy nhiên, các giải pháp này cần thời gian và chưa thể thực hiện được ngay.

Ngành xi măng lỗ nặng từ năm 2023 đến nay.

Theo báo cáo 6 tháng đầu năm của Bộ Xây dựng, VICEM lỗ 863 tỷ đồng.

Trong năm 2023, VICEM cũng đã công bố thông tin ghi nhận lỗ hơn 1.100 tỷ đồng, khi nhu cầu tiêu thụ xi măng giảm mạnh.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán, VICEM ghi nhận doanh thu hơn 24.006 tỷ đồng, giảm 19% so với năm 2022. Giá vốn giảm chậm hơn khiến lãi gộp năm ngoái lùi về 1.923 tỷ đồng, chỉ tương đương khoảng một nửa so với cùng kỳ năm trước đó.

Hi hữu: Rao bán lô tài sản đã hỏng với giá gần 38 triệu đồng

Hội đồng thanh lý tài sản của Trung tâm thẻ – Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) vừa thông báo về việc đấu giá tài sản.

Theo đó, danh mục tài sản thanh lý gồm các thiết bị nội thất văn phòng như : Máy in thẻ, máy PC, laptop, máy in, bàn, ghế, tủ, két sắt, điện thoại bàn, giường, ghế…

Nhiều tài sản thanh lý hỏng vẫn được ngân hàng rao bán.

Tổng số lượng tài sản thanh lý là 519 sản phẩm. Đáng chú ý, theo phụ lục đính kèm thông báo bán thanh lý tài sản cố định, hiện trạng các tài sản đều chung một đặc điểm là: “Đã hỏng”.

Mức giá khởi điểm hơn 37,9 triệu đồng. Giá trên đã bao gồm VAT và chưa bao gồm chi phí tháo dỡ, vận chuyển. Chi phí tháo dỡ, vận chuyển do bên mua tự chi trả.

Duy Phạm

Nguồn: https://tienphong.vn/co-san-680000-ty-tang-luong-bat-thuong-vang-nhan-vuot-mat-sjc-post1654740.tpo

Bài trướcVàng sẽ tăng trong tuần tới?
Bài tiếp theoGiá vàng đồng loạt chững lại

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây