Giá vàng nhẫn tăng mạnh trong những ngày gần đây, vượt 77 triệu đồng/lượng và cao hơn giá vàng miếng SJC.
Hiện tượng “lạ” này đang dấy lên những lo ngại mới về diễn biến thị trường vàng, đòi hỏi phải có các cách thức điều hành phù hợp hơn.
Vào tháng 5/2024, giá vàng miếng SJC đạt mức kỷ lục khi ghi nhận giá bán ra trên 92 triệu đồng/lượng, cao hơn vàng nhẫn tới 15,87 triệu đồng/lượng khi vàng nhẫn có giá 76,55 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, gần đây nhất, phiên giao dịch chiều 17/7, giá vàng nhẫn tại một số nhà vàng tiếp tục được đẩy lên cao, vượt xa mức 77 triệu đồng/lượng. Vàng nhẫn vượt vàng miếng được nhiều người ví như “chuyện lạ”, bởi từ trước đến nay, vàng miếng thường “có giá’ hơn vàng nhẫn do mặt hàng này có tính thanh khoản cao hơn.
Nguyên nhân giá vàng, trong đó vàng nhẫn, được đẩy lên cao đầu tiên là do diễn biến giá vàng trên thị trường quốc tế. Những bất ổn về kinh tế của các quốc gia lớn đang kéo nhu cầu vàng lên cao, giá vàng được dự báo sẽ còn tăng tiếp. Giá vàng trong nước cũng không nằm ngoài xu hướng giá vàng thế giới.
Một nguyên nhân quan trọng nữa, theo các chuyên gia là do nguồn cung của vàng miếng đang có phần hạn chế. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước từng khẳng định “không thiếu vàng miếng”, tuy nhiên, người dân có nhu cầu vẫn rất khó mua được vàng miếng từ 4 ngân hàng lớn và các cửa hàng vàng. Cung không đủ cầu, người mua quay sang chọn vàng nhẫn thay vì vàng miếng.
Việc giá vàng nhẫn ngày càng đắt đỏ đang đặt thị trường cũng như người mua trước nhiều lo ngại. Khi vàng nhẫn tăng đến mức có thể tác động đến nền kinh tế, nó sẽ khơi mào cho hiện tượng vàng hóa nền kinh tế. Trong bối cảnh giá vàng thế giới vẫn có xu hướng tăng, nhu cầu vàng đi lên do bất ổn kinh tế chính trị, trong khi đầu ra hạn chế thì việc người dân đổ xô đi mua vàng như hồi tháng 5, tháng 6 rất có thể sẽ tái diễn.
Ngoài ra, chất lượng vàng nhẫn, kiểm soát hàm lượng vàng nhẫn cũng là câu chuyện cần kiểm soát chặt chẽ hơn. Vì thế, các cơ quan chức năng cần xây dựng quy định rõ ràng về vàng nhẫn, tránh tình trạng lách luật, biến tướng mang danh vàng nhẫn 9999 nhưng hàm lượng tỷ lệ chỉ dưới 75% thậm chí thấp hơn.
Để ổn định thị trường vàng, các chuyên gia khuyến nghị, Nhà nước cần xem xét, sớm sửa đổi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Ngân hàng Nhà nước có thể bỏ độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC. Trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước muốn giữ độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC thì cần cung ứng đầy đủ nhu cầu của thị trường, tránh tình trạng khan hiếm như hiện tại.
Bên cạnh đó, cần tăng cường phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước với Bộ Công an, Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương để kiểm soát ngăn chặn tình trạng nhập lậu vàng. Đồng thời, tăng cường chế tài xử phạt vi phạm đối với hành vi nhập lậu vàng, hành vi mua, bán vàng trái pháp luật.
Việc bắt buộc các đơn vị kinh doanh vàng xuất hóa đơn điện tử là cần thiết và cần được kiểm soát chặt chẽ nhằm quản lý hiệu quả hơn đối với các giao dịch mua, bán vàng, từ đó tạo tiền đề cho việc đánh thuế, thu thuế cũng như hạn chế vàng nhập lậu.
Hà Lâm
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/chuyen-la-gia-vang.html