Trang chủ Giá Vàng Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu chỉ ra nguyên nhân khiến...

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu chỉ ra nguyên nhân khiến giá vàng nhẫn tăng cao

8
0
Rate this post

Trao đổi với PetroTimes, TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính cho rằng, thị trường vàng nhẫn chưa được đưa vào diện kiểm soát như vàng miếng, nguồn cung thiếu, người dân không mua được vàng, dẫn đến trước đây giá vàng miếng và vàng nhẫn cách nhau khoảng 20 triệu đồng/lượng, nhưng hiện nay khoảng cách này chỉ khoảng 500 nghìn đồng/lượng.
Gần đây, thị trường vàng đã có sự biến động mạnh mẽ, hiện giá vàng miếng SJC đang được các công ty SJC, Doji, PNJ bán ra ở mức khoảng gần 90 triệu đồng/lượng. Đáng chú ý, giá vàng nhẫn cũng liên tục lập đỉnh với mức bán ra gần 89 triệu đồng/lượng, có thời điểm ngang giá với vàng SJC. Vậy, nguyên nhân do đâu, giá vàng cao có ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế?

Về vấn đề này, phóng viên của PetroTimes đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính.

TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính.

PV: Thưa ông, sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức đấu thầu thì giá vàng miếng hiện nay đã ổn định. Tuy nhiên thời gian gần đây, giá vàng nhẫn liên tục lên cao, có thời điểm đã ngang với giá vàng miếng. Vậy, theo ông nguyên nhân là do đâu?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Chúng ta có hai thị trường là vàng miếng và vàng nhẫn. Trong khi thị trường vàng miếng đang được kiểm soát một cách rất chặt chẽ, giá vàng miếng do NHNN ấn định đã kéo vàng miếng xuống từ đỉnh cao 92 triệu đồng/lượng xuống 90 triệu đồng/lượng. Đồng thời, kéo được mức chênh lệch so với thế giới có thời điểm lên đến 20 triệu đồng/lượng, xuống khoảng 2-3 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, đây chỉ là vấn đề về giá, trong khi nguồn cung không có hoặc rất hạn chế nên cung – cầu không gặp nhau. Trước đây, người dân đến các ngân hàng thương mại để mua vàng, nhưng sau đó việc này bị siết lại khi các phòng giao dịch chỉ bán cho khách hàng của họ và chỉ bán online. Tại thời điểm này, nhiều người đăng ký nhưng không mua được, hoặc nếu mua được thì số lượng rất ít. Trong khi, các công ty được phép bán vàng miếng thì không có vàng để bán ra, từ đây có thể thấy khi nguồn cung bị siết lại thì giá vàng chỉ có thể kéo xuống một thời gian ngắn, từ 92 triệu đồng/lượng xuống 77-78 triệu đồng/lượng, nhưng rồi lại tăng lên mức 90 triệu đồng/lượng, tiếp cận mức 92 triệu đồng/lượng như trước đây.

Về thị trường vàng nhẫn, hiện nay chưa được đưa vào diện kiểm soát như vàng miếng, nhưng nguồn cung cũng không có. Rất nhiều người dân muốn đi mua vàng nhẫn nhưng không có mà giá lại tăng vùn vụt. Dẫn đến trước đây giá vàng miếng và vàng nhẫn cách nhau khoảng 20 triệu đồng/lượng, nhưng hiện nay khoảng cách này chỉ khoảng 500 nghìn đồng/lượng. Tức là đang tiếp cận giá vàng miếng nhưng nguồn cung cũng không có dẫn đến mất cân bằng cung – cầu.

Xét về tổng thể, thị trường vàng Việt Nam đang mất cân bằng về cung – cầu, trong khi giá vàng thế giới đang lên rất cao, tiệm cận mức 2.800 USD/ounce.

PV: Giá vàng cao như vậy có tác động như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam, thưa ông?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Việc này ảnh hưởng tới nhiều khía cạnh. Thứ nhất là dẫn đến lạm phát, với nhiều người họ xem giá vàng như là “hàn thử biểu” của nền kinh tế để xem giá cả lên xuống như thế nào, khi giá vàng tăng lên họ cho rằng lạm phát đang tăng lên, ảnh hưởng đến tâm lý lạm phát dẫn đến lạm phát thực tế.

Thứ hai, khi giá vàng tăng lên sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu mua vàng trong nước và nhu cầu mua vàng từ nước ngoài. Để đáp ứng nhu cầu này, những nhà kinh doanh vàng và những nhà buôn lậu vàng sẽ dùng đến ngoại tệ để mua vàng, dẫn đến ảnh hưởng về tỷ giá.

Thứ ba, nếu giá vàng tăng mạnh như thế này sẽ dẫn đến việc người dân và nhà đầu tư có khuynh hướng đi mua vàng thay vì dùng tiền đó để hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Chẳng hạn như dùng tiền để đầu tư chứng khoán, thì các doanh nghiệp phát hành cổ phiếu họ có tiền để phục vụ sản xuất kinh doanh, hoặc gửi ngân hàng thì ngân hàng cho vay ra. Trong khi, đầu tư vàng chỉ mang về nhà cất giữ trở thành tài sản lãng phí, dẫn đến ảnh hưởng kinh tế vĩ mô ở nhiều khía cạnh.

Thị trường vàng nhẫn chưa được đưa vào diện kiểm soát như vàng miếng, nguồn cung thiếu/Ảnh minh họa

PV: Nhiều người cho rằng, việc giá vàng nhẫn tăng cao là do hiện nay nhiều kênh đầu tư trong nước gặp khó khăn như bất động sản, hay việc lãi suất ngân hàng thấp nên nhiều người đầu tư vàng vì nghĩ giá sẽ tiếp tục tăng? Cũng có người cho rằng, do các cuộc xung đột trên thế giới và ảnh hưởng của bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Hiện nay, giá vàng trên thế giới đang tăng rất mạnh, có thể do ảnh hưởng của địa chính trị thế giới như cuộc bầu cử Tổng thống tại Mỹ, xung đột tại Trung Đông và cuộc chiến tại Ukraine… tất cả những vấn đề đó đang ngày càng “nóng” hơn. Đặc biệt là cuộc bầu cử Tổng thống tại Mỹ chỉ còn vài ngày nữa cũng khiến giá vàng bị đẩy lên cao.

Bên cạnh đó, rất nhiều các nhà đầu tư và các ngân hàng Trung ương trên thế giới cũng đang mua vàng vào, vì họ cho rằng vàng là “hầm trú ẩn” an toàn về tài chính để chống khủng hoảng, như vậy tất cả các tác nhân đó đã đẩy giá vàng lên rất cao.

Do vậy, vàng ở trong nước cũng bị tác động bởi giá vàng thế giới, đặc biệt là vàng nhẫn càng ngày càng tăng, ngay cả vàng miếng cũng tăng lên do cung – cầu “lệch pha”. Sự tăng ở đây có lẽ chỉ là tăng về giá, còn thật sự cũng rất ít người mua được với giá cao như vậy, nếu có mua thì cũng mua ở trong thị trường “chợ đen”. Tuy nhiên, thị trường “chợ đen” với thị trường chính thống chênh lệch đến vài triệu, dẫn đến có nhiều rủi ro khi đầu tư.

PV: Vậytheo ông, NHNN nên có biện pháp gì để kiểm soát đà tăng của giá vàng trong thời gian tới?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Theo tôi, NHNN nên xem xét để ngừng chương trình bình ổn giá trên thị trường vàng miếng. Lý do là NHNN đã thành công trong việc kéo giá vàng xuống từ 92 triệu đồng/lượng xuống 77-78 triệu đồng/lượng, nhưng giá vàng miếng lại tăng lên đến mức 90 triệu đồng/lượng. Bên cạnh đó, NHNN cũng thành công khi kéo giá vàng trong nước và thế giới sát lại với nhau từ mức chênh lệch lên đến đến 20 triệu đồng/lượng, xuống khoảng 2-3 triệu đồng/lượng.

Thế nhưng, hiện nay nguồn cung không có dẫn đến cung – cầu không gặp nhau, chính vì thế tôi đề nghị NHNN nên xem xét để ngừng chương trình bình ổn giá để có những biện pháp thích hợp hơn, làm sao để cung cấp được nguồn vàng đầy đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhu cầu người dân muốn mua vàng, muốn tích trữ vàng là nhu cầu hợp lý, hợp pháp và chính đáng. Chúng ta không thể phủ nhận nhu cầu đó, nhất là với nhiều người lao động không biết đầu tư vào đâu ngoài vàng.

Về phía vàng nhẫn, cũng như vàng miếng, tôi cho rằng nên để cho thị trường hoạt động tự do, cạnh tranh, bình đẳng… Bên cạnh những đề nghị vừa rồi, tôi cho rằng Nghị định 24 về vàng cần được sửa đổi, trong đó có hai vấn đề cần sửa đổi là nhãn hiệu vàng quốc gia của SJC nên hủy bỏ để tất cả các sản phẩm vàng trên thị trường có sức cạnh tranh công bằng với nhau; thứ hai, NHNN thay vì là đơn vị kinh tế duy nhất có thể nhập khẩu vàng, nên cho phép nhiều đơn vị kinh doanh vàng cùng nhập khẩu vàng.

PV: Ông nhận định thế nào về thị trường vàng từ giờ đến cuối năm? Theo ông, có nên mua vàng vào thời điểm này không?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Theo tôi, từ nay đến cuối năm 2024, thị trường vàng chắc chắn sẽ biến động rất mạnh. Nhất là cho đến kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới, bất kể Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa lên nắm chính quyền đều sẽ tạo ra những chấn động lớn về mặt chính trị, kinh tế nên sự ảnh hưởng đến thị trường vàng là rất lớn. Tôi dự báo giá vàng thế giới sẽ đạt mức 2.800 USD/ounce trong thời gian tới và lên 3.000 USD/ounce vào năm 2025.

Trong khi đó, giá vàng trong nước sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ giá vàng thế giới nên sẽ tiếp tục tăng. Vì vậy, theo tôi hiện nay các nhà kinh doanh vàng và người dân hãy hết sức cẩn thận, vì hiện nay chúng ta mới chỉ biết rằng NHNN vẫn duy trì bình ổn giá vàng với vàng miếng, còn vàng nhẫn để tự do nhưng cung – cầu không đáp ứng dẫn đến làm “lệch pha” thị trường vàng nhẫn nên có thể sẽ được kiểm soát như thị trường vàng miếng.

Xin cảm ơn ông!

Huy Tùng (thực hiện)

Nguồn: https://petrotimes.vn/chuyen-gia-tai-chinh-nguyen-tri-hieu-chi-ra-nguyen-nhan-khien-gia-vang-nhan-tang-cao-720056.html

Bài trướcGiá vàng hôm nay 4/11: bật tăng ngay đầu tuần mới
Bài tiếp theoBản tin Tài chính 4/11: Sau tuần chốt lỗ đậm, giá vàng liệu có biến động?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây