Trang chủ Giá Vàng Chất vấn tại Quốc hội: ‘Nóng’ chuyện giá vàng và ‘vàng chết’...

Chất vấn tại Quốc hội: ‘Nóng’ chuyện giá vàng và ‘vàng chết’ trong dân

6
0
Rate this post

Bình ổn thị trường vàng ở Việt Nam là câu chuyện còn tùy thuộc vào thị trường vàng thế giới và định hướng chống ‘vàng hóa’ nền kinh tế.
Là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn tại Quốc hội vào hôm qua (11-11), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã được các đại biểu (ĐB) chất vấn nhiều câu hỏi hóc búa về điều hành thị trường vàng, cũng như các giải pháp để vàng trong dân phát huy giá trị.

Chênh lệch giá vàng giữa Việt Nam và thế giới đã giảm

Liên quan đến điều hành thị trường vàng, các ĐB đánh giá vẫn còn nhiều vấn đề mà NHNN Việt Nam cần làm để giải quyết tình trạng cung cầu vàng. Bởi có thời điểm vàng “sốt” và chênh lệch giá vàng giữa VN và thế giới rất cao.

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông). Ảnh: PHẠM THẮNG

Các ĐB Như Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông), Lưu Văn Đức (đoàn Đắk Lắk)… và nhiều ĐB khác đều chất vấn về chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, đồng thời hỏi Thống đốc Nguyễn Thị Hồng có giải pháp gì, đã thực hiện các yêu cầu của Thủ tướng về vấn đề này ra sao.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết thị trường vàng của VN biến động cũng là diễn biến chung như các nước trên thế giới. Bà Hồng nói thế giới cũng đau đầu vì vàng, theo diễn biến thì giá vàng thế giới đã tăng hơn 50%.

Còn ở Việt Nam, định hướng chống “vàng hóa”, “đô la hóa” nền kinh tế đã được thực hiện từ năm 2013 qua Nghị định 24/2012. Từ đó đến năm 2019, thị trường vàng VN tương đối ổn định. Bắt đầu từ năm 2021, giá vàng thế giới tăng cao dẫn đến giá vàng trong nước tăng cao nhưng cho đến trước thời điểm tháng 6-2024, NHNN chưa can thiệp. Từ tháng 6-2024, giá vàng quốc tế lập đỉnh cao, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới tăng cao. Trước khi can thiệp, giá vàng khoảng 2.300-2.400 USD/ounce.

“Để thu hẹp khoảng cách nhanh giữa giá vàng trong nước và quốc tế theo chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, chúng tôi chuyển sang phương án bán trực tiếp qua bốn ngân hàng thương mại nhà nước và SJC. Nhờ vậy, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế đang từ mức 15-18 triệu đồng/lượng đến nay chỉ còn 3-4 triệu đồng/lượng” – bà Hồng khẳng định.

ĐB Dương Khắc Mai đặt vấn đề khi kéo giá vàng SJC sát với giá vàng thế giới thì ai được hưởng lợi, ai chịu thiệt khi đã mua vàng SJC. Giải thích sau đó, bà Hồng cho biết người dân mua vàng giá cao thì bán cũng cao, khi mua thấp thì bán cũng thấp hơn. Tuy nhiên, cái lợi của người này sẽ làm người kia mất lợi. Các doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng cũng tính toán để tránh bị rủi ro. “NHNN khi mua vàng về để bán cũng có biện pháp phòng ngừa rủi ro khi giá vàng lên xuống thất thường” – bà Hồng nói thêm.

Làm sao không để “vàng chết”?

ĐB Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) dẫn báo cáo về thị trường vàng có đề cập đến một trong những tồn tại là chưa khuyến khích người dân bán vàng chuyển thành tiền đồng (VND) để đầu tư sản xuất, kinh doanh.

“Vàng nằm im trong dân là “vàng chết” trong khi nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh rất lớn” – bà Thanh nói và đề nghị Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết thời gian tới cần tập trung thực hiện những giải pháp gì để vàng trở thành nguồn lực của nền kinh tế.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: PHẠM THẮNG

Đánh giá “đây là câu hỏi rất hay” và bày tỏ đồng tình, bà Hồng cho biết chính sách của NHNN là chống “vàng hóa”, “đô la hóa”, không khuyến khích người dân nắm giữ vàng, nhất là vàng miếng vì giá trị cao.

“Giá trị vàng rất lớn nhưng khi nắm giữ thì có nghĩa là số tiền đó người dân không sử dụng được. Nếu lấy vàng đó chuyển hóa ra VND thì có cơ hội kinh doanh, đầu tư vào lĩnh vực khác như cho vay sản xuất; đầu tư cổ phần, cổ phiếu, chứng khoán…” – bà Hồng phân tích, đồng thời nhấn mạnh đó là lý do cơ quan quản lý đưa ra chính sách Nhà nước độc quyền sản xuất, xuất nhập khẩu vàng miếng và quản lý chặt chẽ kinh doanh mua bán vàng.

Thông tin thêm, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay NHNN đang đánh giá, tổng kết Nghị định 24 để có giải pháp hạn chế nắm giữ vàng.

ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) thì đề cập đến lượng kiều hối về nước rất lớn, riêng năm 2023 là 16 tỉ USD. Tuy nhiên, khi người dân gửi USD vào ngân hàng thì lãi suất 0 đồng mà “cất ở nhà thì khả năng không an toàn”, trong khi đó ngân hàng phải vay ngoại tệ của nước ngoài phải trả lãi. “Sao không vay của dân để có lợi cho dân, dù là lãi suất thấp hơn của nước ngoài?” – ĐB Hòa đặt câu hỏi.

Trả lời nội dung này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay trước đây thị trường ngoại hối và tỉ giá của VN thường xuyên có biến động. Có giai đoạn nền kinh tế có thặng dư ngoại tệ, tập trung vào mỗi khu vực nhưng lại găm giữ và không bán ngoại tệ. “Người có thì không bán, người chưa có nhu cầu thì đã ra mua nên thị trường ngoại hối và tỉ giá của VN đã trải qua những giai đoạn biến động, gây bất ổn kinh tế vĩ mô” – bà Hồng nói.

Từ năm 2016, NHNN đã áp dụng đồng bộ rất nhiều giải pháp. Đầu tiên là kiểm soát lạm phát để giữ ổn định giá trị của VND. Thứ hai là thực hiện giải pháp kết hợp chính sách lãi suất và tỉ giá để làm sao nắm giữ VND hấp dẫn, có lợi hơn. Chính vì vậy, lãi suất của USD đưa về 0% và thực hiện các giải pháp để ổn định tỉ giá, ban hành những thông tư để hạn chế việc doanh nghiệp mua ngoại tệ trước khi có nhu cầu.

“Đặc biệt chúng tôi điều hành tỉ giá trên cơ sở tỉ giá trung tâm, tức là hằng ngày có biến động lên xuống, khác với trước đây tỉ giá chỉ có một chiều tăng. Vì vậy đã hạn chế được tâm lý đầu cơ, găm giữ ngoại tệ và giảm tình trạng “đô la hóa” nền kinh tế” – bà Hồng cho hay.

Về lãi suất, bà Hồng nhìn nhận nếu tăng lãi suất tiền gửi ngoại tệ thì người nắm giữ ngoại tệ sẽ được lợi về biến động tỉ giá vì USD đang tăng giá và chính sách của Fed (hệ thống Ngân hàng Trung ương Mỹ) như vậy. Bên cạnh đó, họ còn được lãi suất của tiền gửi ngoại tệ nữa, điều này có thể gây tâm lý chuyển dịch từ VND sang ngoại tệ, khiến thị trường có nguy cơ rủi ro trở lại.

Cũng theo bà Hồng, việc quy định lãi suất tiền gửi bằng USD còn nhằm mục tiêu để doanh nghiệp và người dân khi có ngoại tệ thì chuyển hóa thành VND để đầu tư sản xuất, kinh doanh, giúp Nhà nước gia tăng dự trữ ngoại hối, ổn định thị trường.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) tại phiên chất vấn. Ảnh: PHẠM THẮNG

Sao không mua vàng khi dân bán?

Các ĐB cũng đề cập đến câu chuyện bán vàng để bình ổn giá vàng. ĐB Phạm Văn Hòa nói thời gian qua, việc bán vàng miếng của NHNN để bình ổn thị trường vàng được người dân rất ủng hộ. Tuy nhiên, ngân hàng chỉ bán mà không mua. Ngân hàng không mua thì các cửa hàng vàng khác cũng không mua. “Nếu người dân muốn bán vàng thì bán ở đâu? Vì sao ngân hàng chỉ bán vàng ở Hà Nội và TP.HCM mà không bán khắp cả nước…?” – ông Hòa chất vấn.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết từ năm 2014 đến nay NHNN không cung vàng miếng ra thị trường vì NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng và mới đặt vấn đề cung vàng chứ chưa đặt vấn đề mua lại.

Còn về lý do mua bán vàng miếng chủ yếu diễn ra tại Hà Nội và TP.HCM, theo bà Hồng, việc này liên quan đến câu chuyện cấp phép và tự chủ của doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vàng.

“Qua tổng hợp, đánh giá, chúng tôi thấy nhu cầu mua bán vàng miếng chủ yếu là ở Hà Nội, TP.HCM và các TP lớn. Còn các tỉnh, TP hầu như không có hiện tượng người dân xếp hàng mua vàng” – bà Hồng nói.

Giơ biển tranh luận sau đó, ĐB Phạm Văn Hòa nói đây là vấn đề cử tri gửi gắm vì nó rất hệ trọng. Ngân hàng bán vàng miếng mà không mua lại thì dân sẽ bán ra chợ đen. “Tại sao chúng ta không mua lại để thuận lợi cho người dân, để họ có tiền dùng khi cần, để tiền lưu chuyển được” – ông Hòa nói và cho rằng đây là điểm rất bất hợp lý, đề nghị NHNN quan tâm.

******

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn: https://plo.vn/chat-van-tai-quoc-hoi-nong-chuyen-gia-vang-va-vang-chet-trong-dan-post819365.html

Bài trướcGiá vàng hôm nay 12/11: Vàng thế giới trượt dốc, mất hơn 60 USD/ounce sau 1 phiên
Bài tiếp theoNóng hôm nay: Cập nhật bão số 8 sắp vào Biển Đông; Bắt đối tượng tấn công CSGT khi bị đo nồng độ cồn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây