Ngày 13/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.973 VND/USD, tăng 28 đồng so với sáng 12/5. Với biên độ giao dịch ±5% so với tỷ giá trung tâm, tỷ giá trần được áp dụng là 26.222 VND/USD và tỷ giá sàn là 23.724 VND/USD.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN ở mức 23.748 VND/USD chiều mua vào và 26.142 VND/USD chiều bán ra.
Tại các ngân hàng thương mại lúc 8 giờ 27 sáng 13/5, tỷ giá USD tại Vietcombank và BIDV cùng giao dịch ở mức 25.790-26.150 VND/USD (mua vào-bán ra), tăng 10 đồng so với sáng 12/5.
Diễn biến tăng của tỷ giá ở Việt Nam trái ngược với việc đồng USD trên thị trường quốc tế liên tiếp hạ nhiệt từ đầu năm tới nay. Hiện, chỉ số đồng USD ở mức 100,4 điểm, giảm khoảng 9% so với mức đỉnh lập hồi đầu năm.
Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu Ngân hàng UOB vừa công bố Báo cáo Chiến lược tỷ giá và lãi suất tháng 5.

Trong tháng 4, VND đã giảm 1,6%, xuống còn 25.990 VND/USD.
Theo đánh giá của UOB, đồng USD đã trải qua một tháng 4 đầy biến động, khi hàng loạt tin đồn về xu hướng phi đô la hóa lan rộng trên thị trường. Tâm điểm là các giả thuyết xoay quanh “Hiệp định Mar-a-Lago”, được cho là bao gồm các biện pháp áp thuế thương mại và làm suy yếu đồng USD.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia UOB, lý do thực sự khiến đồng USD bị bán tháo sau – đặc biệt là khi giảm mạnh so với đồng Đài tệ (TWD) – có thể đến từ việc nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đồng loạt bán ra lượng USD tích trữ trước đó từ nguồn thu xuất khẩu.
UOB dự báo đồng USD sẽ tiếp tục suy yếu so với các đồng tiền mạnh khác. Điều này sẽ khiến chỉ số USD Index (DXY) giảm xuống vùng giao dịch mới dưới mốc 100 và tiếp tục giảm về mức 96,9 vào quý I/2026.
Đáng chú ý, theo các chuyên gia, VND là trường hợp đặc biệt trong đợt phục hồi mạnh của các đồng tiền khu vực trong tháng 4, khi VND đã giảm 1,6% trong tháng, xuống còn 25.990 VND/USD. Thị trường có thể đã phản ứng trước tác động tiêu cực về kinh tế đối với Việt Nam, sau khi Mỹ tuyên bố áp thuế lên tới 46% đối với hàng hóa Việt Nam.
Chỉ số PMI ngành sản xuất cũng giảm mạnh xuống 45,6 – mức thấp nhất trong 2 năm, cho thấy tâm lý thận trọng của các nhà sản xuất trong bối cảnh lo ngại hàng Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh về giá tại thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ.
“Nếu không đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ, chúng tôi cho rằng đồng VND sẽ duy trì ở biên độ yếu so với đồng USD. Dự báo cập nhật của chúng tôi đối với tỷ giá USD/VND lần lượt là: 26.100 trong quý II/2025, 26.300 trong quý III/2025, 26.000 trong quý IV/2025, và 25.800 trong quý I/2026”, dự báo của các chuyên gia UOB đưa ra.
Các chuyên gia trong nước cũng nhận định VND vẫn là đồng tiền yếu so với khu vực. Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực phân tích, dù tỷ giá USD/VND tăng hơn 2% từ đầu năm đến nay, thấp hơn dự báo trước đó nhưng VND vẫn đang mất giá so với USD và các đồng tiền khác trong khu vực lại tăng giá.
“VND vẫn là đồng tiền yếu so với khu vực. Nhu cầu về cung cấp ngoại tệ cho hoạt động xuất nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm nay biến động mạnh hơn và xuất hiện câu chuyện liên quan đến găm giữ ngoại tệ, vàng… Đây là những lý do NHNN đã báo cáo trước Quốc hội. Thực tế, tỷ giá USD/VND năm nay đang ở thế giằng co với nhiều yếu tố tích cực và tiêu cực. Vì vậy, dự báo tỷ giá cả năm sẽ tăng khoảng 3-4%”, ông Lực nói.
Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, NHNN cũng nêu tỷ giá và thị trường ngoại tệ chịu áp lực lớn, đa chiều và thay đổi nhanh chóng do diễn biến kinh tế – chính trị quốc tế khó lường. Đặc biệt là chính sách thuế quan của chính quyền Mỹ, đồng USD quốc tế biến động nhanh, gây áp lực lên các đồng tiền.
Tuy nhiên, biến động tỷ giá trong những tháng đầu năm, theo các chuyên gia là chưa đáng lo, bởi các yếu tố hỗ trợ cho tỷ giá USD/VND bao gồm thặng dư thương mại tích cực (thặng dư thương mại của cả nước đạt 8,4 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm). Số liệu Cục Thống kê (Bộ Tài chính) vừa công bố, 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 276,89 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 13%; nhập khẩu tăng 18,6%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 3,79 tỷ USD.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2025 ước đạt 6,74 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước và cao nhất của 4 tháng trong vòng 5 năm qua.
Đồng thời, sự phục hồi của lượng khách du lịch quốc tế. Tính chung 4 tháng đầu năm, khách quốc tế đến đạt gần 7,7 triệu lượt, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước và đang đi đúng tiến trình để đạt mốc 22-23 triệu lượt khách quốc tế vào cuối năm.
Trong khi đó, lượng kiều hối về TPHCM riêng trong quý đầu năm lên tới hơn 2,4 tỷ USD. Như vậy, theo giới phân tích, những yếu tố trên đang hỗ trợ tích cực cho tỷ giá trong nước.
Thanh Hoa