Sau hơn một tuần hồi phục tích cực, đà tăng của chỉ số VN-Index có dấu hiệu chững lại trong 2 phiên giao dịch đầu tháng 12.
Nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE). Ảnh minh họa: Hứa Chung/TTXVN
Cùng với đó, khối ngoại cũng quay trở lại bán ròng sau 6 phiên mua ròng liên tiếp trước đó. Theo giới chuyên gia, bên cạnh việc chạm ngưỡng cản sau đợt tăng giá, thị trường chứng khoán Việt Nam đang chịu ảnh hưởng mạnh từ biến động tỷ giá USD/VND.
Những diễn biến mới về sức mạnh đồng bạc xanh tiếp tục gây áp lực đến các đồng tiền quốc tế, trong đó có lo ngại mới về khả năng tỷ giá bước vào chu kỳ tăng mới. Chỉ số DXY ghi nhận sự tăng nhẹ kể từ phiên 2/12 sau khi giảm đáng kể trong tuần trước. Hiện chỉ số DXY đang neo ở mức trên 106 điểm, tương đương vùng đỉnh tháng 4 và 6/2024.
Tỷ giá trung tâm giữa VND và USD hôm nay (3/12) cũng ghi nhận tăng mạnh so với sáng hôm qua. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.260 VND/USD, tăng 20 đồng so với sáng 2/12. Với biên độ +/-5%, tỷ giá trần hôm nay là 25.473 VND/USD và tỷ giá sàn là 23.047 VND/USD. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước hiện là 23.400 – 25.450 VND/USD (mua vào – bán ra).
Theo ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường Chứng khoán VPBank (VPBankS), trong giai đoạn vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đặc biệt chịu ảnh hưởng nhiều của tỷ giá. Biến động của VN-Index ngược chiều so với chỉ số DXY. Việc khối ngoại đảo chiều sang bán ròng gần đây cũng diễn biến đồng pha với DXY, khi chỉ số này bật tăng trở lại sau 1 tuần điều chỉnh.
Cụ thể, tuần qua, DXY đã giảm từ mức cao 108 điểm xuống dưới 105 điểm, ngược lại VN-Index tăng mạnh mẽ. Bước sang tuần này, DXY tăng trở lại, cùng với việc VN-Index đang chạm ngưỡng kháng cự tạo nên một vùng tích lũy, rung lắc và xây dựng nền mới.
“Dữ liệu lịch sử cho thấy sự biến động giữa VN-Index và DXY rất rõ, trong ngắn hạn thị trường chịu tác động nhiều của yếu tố tỷ giá. Nhìn lại DXY từ 2017 đến nay, lần nào DXY tạo đỉnh và đi xuống thì VN-Index thường có dấu hiệu tạo đáy và đi lên. Ngược lại, lần nào DXY tạo đáy và đi lên thì VN-Index điều chỉnh và đi xuống”, ông Sơn phân tích.
Nói thêm về biến động tỷ giá gần đây, chuyên gia của VPBankS cho rằng, trong giai đoạn 2023 – 2024, đặc biệt là 2 tuần gần đây, DXY chạm ngưỡng rất cao lên 108 điểm. Tại đây, tỷ giá liên ngân hàng của Việt Nam cũng gần chạm trần lên mức 25.400 VND/USD. Trong bối cảnh căng thẳng đó, áp lực bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài diễn ra mạnh. Ngược lại, tuần qua, khi DXY yếu đi thì khối ngoại quay lại mua ròng.
Thực tế cũng cho thấy, trong thời gian qua, sự luân chuyển dòng vốn diễn ra rất rõ ràng khi thị trường phát triển như Mỹ và châu Âu tăng trưởng cũng tác động đến các thị trường cận biên. Thị trường Mỹ tăng mạnh, kết hợp tỷ giá đồng USD ở mức cao khiến dòng tiền dịch chuyển từ khu vực châu Á, thị trường mới nổi quay trở lại Mỹ và châu Âu, đặc biệt là Mỹ.
Khi đồng USD mạnh thì Mỹ hút được dòng tiền lớn từ thế giới. Do vậy, trong bối cảnh thị trường nhiễu động từ căng thẳng Nga – Ukraine cùng những dòng trạng thái của ông Donald Trump về chính sách thuế mới, thị trường Mỹ không có ảnh hưởng đáng kể, S&P 500 và Down Jones vẫn vượt đỉnh.
Ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital cũng cho rằng, rủi ro trước mắt lớn nhất đối với thị trường chứng khoán Việt Nam và các thị trường chứng khoán mới nổi khác là khả năng đồng USD tiếp tục tăng giá.
“Chỉ số USD/DXY đã tăng khoảng 7% trong thời gian trước và sau cuộc bầu cử, phần nào do lo ngại về chính sách thuế quan của ông Donald Trump. Trong khi đó, tỷ giá USD/VND đã giảm gần 5% tính đến thời điểm này trong năm và nếu chỉ số DXY tiếp tục tăng, mức giảm tỷ giá VND có thể vượt qua ngưỡng quan trọng 5% trong năm. Ngân hàng Nhà nước có thể phải thắt chặt chính sách tiền tệ hoặc tăng lãi suất để hỗ trợ đồng VND”, ông Michael Kokalari nhận định.
Báo cáo cập nhật mới đây của Ngân hàng UOB (Singapore) cho thấy, đồng VND đã trải qua một giai đoạn nhiều biến động trong vài tháng qua. Sau khi ghi nhận mức tăng theo quý lớn nhất (3,5%) kể từ năm 1993 vào quý III/2024, VND đã đảo ngược tất cả các mức tăng trong tháng 10 – 11/2024.
Mặc dù có nền tảng vững chắc, VND vẫn bị kìm kẹp bởi các yếu tố bên ngoài như đồng USD hồi phục khi thị trường định giá lại với kịch bản Quỹ Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ cắt giảm lãi suất ít hơn trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump. UOB dự báo tỷ giá USD/VND có thể lên đỉnh lịch sử vào quý III/2025, đạt mức 26.200 VND/USD.
Các chuyên gia của UOB cũng cho rằng, với tình hình kinh tế vẫn tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024 và kéo dài sang năm 2025, Ngân hàng Nhà nước không chịu nhiều sức ép phải vội vàng nới lỏng chính sách. Chỉ số lạm phát vẫn ở mức dưới mục tiêu 4,5% kể từ tháng 6/2023, do đó giảm bớt phần lớn áp lực cho Ngân hàng Nhà nước.
Tuy vậy, với dự báo căng thẳng thương mại toàn cầu tiếp tục gia tăng dưới thời ông Donald Trump và sức mạnh của đồng USD đi kèm là mối lo ngại đang gia tăng, Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ phải chú ý tới áp lực giảm giá đối với VND. Do đó, UOB kỳ vọng lãi suất tái cấp vốn chính sẽ duy trì ở mức hiện tại là 4,5%.
Trước bối cảnh tỷ giá có những biến động, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều thách thức khó đoán định. Tuy nhiên, với nền tảng vĩ mô ổn định và triển vọng nâng hạng thị trường cùng câu chuyện hệ thống giao dịch mới… các chuyên gia cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có thể tạo ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư trong dài hạn.
Nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh để tích lũy cổ phiếu của doanh nghiệp tăng trưởng ở trong vùng giá thấp và tiếp tục nắm giữ chờ xu hướng thị trường tích cực hơn…
Hứa Chung (TTXVN)
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/thi-truong-chung-khoan-truoc-ap-luc-ty-gia-bien-dong-manh-20241203163618432.htm