Thời gian gần đây, giá vàng trong nước, thế giới liên tục ‘nhảy múa’ đã thu hút sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp (DN). Có thời điểm biên độ dao động mua vào, bán ra lớn, giá tăng lên, giảm xuống đột ngột song đầu tư vàng vẫn là lựa chọn của nhiều người nhằm tích lũy tài sản. Vì vậy, hoạt động mua bán vàng tại một số cửa hàng trong tỉnh diễn ra sôi động. Tuy nhiên, việc chấp hành quy định trong kinh doanh liên quan đến hóa đơn của chủ cơ sở kinh doanh vẫn còn hạn chế.
Theo quy định, từ cuối năm 2022, ngành Thuế Bắc Giang triển khai sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) khởi tạo từ máy tính tiền có mã của cơ quan thuế đối với hoạt động bán lẻ hàng hóa, trong đó có mô hình kinh doanh vàng bạc. HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền là hóa đơn có mã của cơ quan thuế được phát hành dưới dạng dữ liệu điện tử. Hóa đơn này có ưu điểm người bán hàng có thể xuất cho khách hàng ngay khi giao dịch phát sinh, không cần phải ký số trên hóa đơn, chủ động điều chỉnh sai sót, người mua có thể nhận hóa đơn khi thanh toán.
Đây là giải pháp hỗ trợ người dân, DN trong việc sử dụng HĐĐT nhanh chóng, tiện lợi, tiết kiệm; nâng cao hiệu quả quản lý, chống thất thu thuế đối với hoạt động bán lẻ hàng hóa. Dù vậy, vẫn có những cửa hàng không chấp hành quy định này. Ngay khi vàng giảm giá nhẹ, có chút vốn lích lũy, chị T.T.H, phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) mua 5 chỉ vàng nhẫn tại một cửa hàng thuộc TP Bắc Giang.
Theo chị H, gửi tiền ngân hàng lãi suất thấp, cứ để tiền mặt sợ mất giá nên chị chọn đầu tư vàng. Chị H nói: “Lúc giao dịch, người chủ bảo tôi chuyển khoản vào tài khoản của một người khác chứ không phải tài khoản đăng ký kinh doanh của cửa hàng. Sau đó, tôi nhận đủ hàng kèm theo túi đựng. Trên nhẫn đều khắc tên của cửa hàng, sau này muốn bán vàng lại ra đây thì sẽ được giá hơn. Lần nào mua hàng cũng vậy, miễn sao nhận được đủ vàng như mong muốn nên tôi không đòi hóa đơn”.
Trường hợp như chị H không phải là hiếm. Đa số người dân nhận giấy bảo đảm vàng, mua vàng dựa vào uy tín của DN, dùng tiền mặt hay chuyển khoản đều không quan tâm đến hóa đơn. Điều này đồng nghĩa với việc, chủ cửa hàng sẽ không xuất hóa đơn, không kê đủ doanh thu của đơn vị mình vì không ít người mua vàng dùng tiền mặt hoặc chuyển khoản vào một tài khoản không phải là tài khoản đăng ký hoạt động của DN. Cơ quan chức năng sẽ không có căn cứ để thu thuế vì không nắm được doanh thu, lượng hàng giao dịch của đơn vị kinh doanh.
Được biết, toàn tỉnh có hơn 100 DN kinh doanh vàng bạc, đá quý. Việc một số cơ sở không xuất hóa đơn cho khách hàng sẽ gây thất thu thuế. Rõ ràng, quy định đã có, các biện pháp cũng đã được chỉ đạo triển khai nên việc chấp hành ra sao rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng. Vì qua đó sẽ quản lý được thuế cũng như nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chống thất thu ngân sách.
Trường Sơn
Nguồn: http://baobacgiang.vn/chong-that-thu-trong-kinh-doanh-vang-074435.bbg