Giá vàng thế giới ít biến động đêm qua và sáng nay (20/6), khi thị trường tài chính Mỹ đóng cửa nghỉ lễ và nhà đầu tư vẫn ‘phập phồng’ hy vọng về việc Fed có thể cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Theo một số chuyên gia, giá vàng khó tăng mạnh trong ngắn hạn, nhưng các yếu tố hỗ trợ giá kim loại quý này trong dài hạn là không hề thay đổi…
Ảnh minh họa – Ảnh: Bloomberg.
Lúc hơn 8h sáng nay, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng 3,5 USD/oz so với đóng cửa phiên đêm qua tại New York, tương đương tăng 0,15%, giao dịch ở mức 2.332,4 USD/oz – theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco. Mức giá này tương đương gần 71,6 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Viêtcombank, tăng 200.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.
Phiên New York ngày thứ Tư, giá vàng chốt ở mức 2.328,9 USD/oz, giảm 1,8 USD/oz so với đóng cửa phiên trước, tương đương giảm khoảng 0,08%.
Giá vàng ít biến động trong bối cảnh không có các số liệu kinh tế Mỹ được công bố trong ngày lễ Juneteenth kỷ niệm chấm dứt chế độ nô lệ ở nước này. Nhà đầu tư trên thị trường vàng vẫn đang bám vào những tia hy vọng mới nhen nhóm lại về khả năng Fed có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Cơ sở của hy vọng này là báo cáo thống kê do Bộ Lao động Mỹ công bố hôm thứ Tư cho thấy doanh thu bán lẻ tháng 5 chỉ tăng 0,1%, thay vì tăng 0,3% như dự báo.
“Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm vào hôm trước và đồng USD cũng yếu đi sau báo cáo bán lẻ gây thất vọng. Điều này có vẻ mang lại một chút lực hỗ trợ cho giá vàng”, chiến lược gia Yeap Jum Rong của công ty IG nhận định. “Dù các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Mỹ dự báo chỉ giảm lãi suất 1 lần trong năm nay, thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ mềm mỏng hơn và kỳ vọng đó dựa trên những số liệu kinh tế yếu gần đây. Nếu có thêm các số liệu yếu về kinh tế Mỹ, giá vàng có thể được hỗ trợ thêm”.
Trong thời gian còn lại của tuần này, tâm điểm chú ý của thị trường sẽ là thống kê số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu hàng tuần của Mỹ dự kiến công bố vào ngày thứ Năm, tiếp đó là các chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của nước này vào ngày thứ Sáu.
Khả năng Fed bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 9 đang ở mức gần 70% – theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME.
Giá vàng đang ở trong một giai đoạn tích lũy sau khi lập kỷ lục ở ngưỡng gần 2.450 USD/oz cách đây 1 tháng. Những phiên gần đây, giá vàng chịu áp lực giảm sau khi có tin Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã tạm dừng mua ròng vàng trong tháng 5 sau 18 tháng mua ròng liên tiếp.
“Hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương đã yếu đi trong tháng 5. Nếu xu hướng mua ròng của lực lượng này được nối lại, xung lực tăng của giá vàng sẽ trở lại”, trưởng phân tích Tim Waterer của công ty KCM Trade nhận định.
Trong một báo cáo công bố vào hôm thứ Ba tuần này, chiến lược gia trưởng Ole Hansen của ngân hàng Saxo Bank nhận định dù giá vàng đang đi ngang ở ngưỡng cao, triển vọng dài hạn của giá vàng vẫn là tăng. Theo ông Hansen, đây chỉ là một giai đoạn tạm nghỉ của thị trường sau khi giá vàng tăng gần 250 USD/oz từ mức thấp hồi tháng 2 lên mức kỷ lục 2.450 USD/oz vào tháng 5.
Vị chiến lược gia cho rằng dù đà tăng của giá vàng đã giảm một phần, tâm lý bi quan không hề chiếm lĩnh thị trường ở thời điểm hiện tại, thể hiện qua việc các nhà đầu tư không vội vàng chốt lời. Ông cho biết nhiều quỹ phòng hộ đã nhảy vào mua vàng ở mức giá dưới 2.200 USD/oz và điều này giúp giá vàng duy trì tốt ngưỡng hỗ trợ 2.300 USD/oz.
Diễn biến giá vàng thế giới 6 tháng qua. Đơn vị: USD/oz – Nguồn: Trading Economics.
“Rõ ràng, phần lớn sự tăng giá của vàng trong tháng 2 và tháng 3 có được là nhờ nhu cầu của các nhà quản lý quỹ, bao gồm các quỹ phòng hộ. Do đã vào thị trường từ sớm như vậy, các quỹ không buộc phải bán vị thế vàng khi giá vàng giảm gần đây. Nhờ vậy, giá vàng được duy trì trên ngưỡng mà nếu bị xuyên thủng, bán tháo sẽ xuất hiện”, ông Hansen viết trong báo cáo.
“Việc các quỹ mua vàng sớm ở mức giá thấp hơn nhiều chính là lý do vì sao mức độ biến động gần đây của giá vàng là tương đối thấp so với các kim loại khác như bạc, platinum và đồng. Đối với những kim loại đó, các nhà đầu cơ nhảy vào thị trường muộn hơn ở mức giá cao hơn. Khi giá giảm, họ đối mặt áp lực thanh lý vị thế, dẫn tới rủi ro điều chỉnh sâu hơn”, ông Hansen giải thích.
Nhìn trong dài hạn, ông Hansen cho rằng một trong những trụ cột quan trọng nhất đối với giá vàng chính là vai trò kênh đầu tư an toàn, giúp nhà đầu tư bảo toàn giá trị trước những rủi ro thị trường như bất ổn địa chính trị và tác động của những bất định đó đối với nền kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, theo vị chiến lược gia này, nợ công tăng lên trên toàn cầu đang thúc đẩy các ngân hàng trung ương tiếp tục đa dạng hóa dự trữ ngoại hối khỏi đồng USD.
Về việc thời kỳ tích lũy này của giá vàng sẽ kéo dài trong bao lâu, ông Hansen nói việc này sẽ tùy thuộc vào Fed. Ông cho rằng nhà đầu tư nhỏ lẻ ở khu vực châu Á và các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục là hai lực lượng hỗ trợ giá vàng, nhưng giá kim loại quý này còn đang thiếu đi một nguồn lực hỗ trợ quan trọng là nhu cầu của các quỹ ETF.
“Nhu cầu của các quỹ ETF đối với vàng và bạc vẫn đang hạn chế. Các quỹ này đã bán ròng kim loại quý kể từ năm 2022, khi Fed bắt đầu tăng lãi suất… Nhu cầu vàng và bạc từ các quỹ ETF có thể sẽ duy trì ở mức thấp cho tới khi lãi suất giảm”, ông Hansen nhận định.
Điệp Vũ
Nguồn: https://vneconomy.vn/gioi-chuyen-gia-gia-vang-kho-tang-trong-ngan-han-nhung-trien-vong-dai-han-tich-cuc.htm