Trang chủ Giá Vàng Đua nhau trữ vàng, ảnh hưởng xấu cho kinh tế

Đua nhau trữ vàng, ảnh hưởng xấu cho kinh tế

4
0
Rate this post

Năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát gây thiệt hại lớn cho kinh tế toàn cầu. Sau đó, để phục hồi nền kinh tế, các nước đã nới lỏng chính sách về tiền tệ, đồng thời xung đột về chính trị ở một số nước ngày càng leo thang, diễn biến khí hậu theo chiều hướng tiêu cực dẫn đến nhiều thiên tai… đã đẩy giá vàng thế giới tăng cao.
Việt Nam có độ mở nền kinh tế lớn nên cũng chịu tác động không nhỏ từ giá vàng thế giới. Từ đầu năm 2022 đến nay, giá vàng trong nước liên tục biến động. Đặc biệt, trong đầu năm 2024, có thời điểm giá vàng tại Việt Nam đã vượt ngưỡng trên 92 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng thế giới gần 20 triệu đồng/lượng.

Nguyên nhân khiến giá vàng tại Việt Nam tăng cao là do hơn 10 năm qua, Ngân hàng Nhà nước không nhập khẩu vàng. Vì thế, khi nhu cầu mua vàng tăng cao, thị trường vàng trong nước đã xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung. Bên cạnh đó, kinh tế khó khăn, một số kênh đầu tư như: bất động sản, chứng khoán, gửi tiền tiết kiệm không còn hấp dẫn, nhiều người đã chuyển qua mua vàng tích lũy hoặc đầu tư. Cầu lớn hơn cung đã khiến giá vàng tại Việt Nam liên tục tăng cao, vượt xa so với giá vàng thế giới. Ngoài ra, có những cơ sở lợi dụng việc này đẩy giá vàng trong nước lên cao để hưởng lợi.

Trước thực trạng trên, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương phối hợp để quản lý thị trường vàng hiệu quả, kịp thời ngăn chặn nguy cơ “vàng hóa” nền kinh tế để tranh lạm phát, biến động tỷ giá. Hơn một tháng qua, các giải pháp như: đấu thầu vàng miếng, bán vàng ra thị trường thông qua 4 ngân hàng thương mại và Công ty SJC đã thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới. Hiện giá vàng trong nước chỉ cao hơn giá thế giới từ 4-5 triệu đồng/lượng và giá vàng bán ra khoảng 76,98 triệu đồng/lượng, mua vào 74,98 triệu đồng/lượng.

Tuy thị trường vàng trong nước đã tạm thời ổn định nhưng nếu không quản lý tốt thì nguy cơ biến động lớn như dịp đầu năm có thể lặp lại. Việc nhiều người dân mua tích trữ, đầu cơ vàng với số lượng lớn sẽ tác động tiêu cực đến kinh tế vĩ mô như là tỷ giá, lạm phát. Đồng thời, dòng tiền đổ vào vàng nhiều mà không đưa vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sẽ ảnh hưởng đến phục hồi, tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững.

Vì thế, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục đưa ra các giải pháp để giữ ổn định thị trường vàng trong nước và hạn chế biến động về giá vàng, kéo giá vàng trong nước tương đương với giá thế giới. Do đó, dự trữ, đầu tư vàng sẽ không còn là kênh hấp dẫn.

Uyển Nhi

Nguồn: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202407/dua-nhau-tru-vang-anh-huong-xau-cho-kinh-te-706568f/

Bài trướcGiá vàng hôm nay 9/7: Vàng nhẫn tiếp tục giảm với đà giảm sốc của giá vàng thế giới
Bài tiếp theoGiá vàng hôm nay 9/7/2024: Giá vàng nhẫn giảm, thế giới lao dốc từ đỉnh tháng 5, nhà đầu tư chốt lời, Trung Quốc tạm dừng làm điều này

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây