Chiều 12/7, giá vàng nhẫn tăng lên mốc trên 77 triệu đồng/lượng, cao hơn vàng miếng SJC. Theo chuyên gia, đây là việc bất thường xảy ra trên thị trường vàng.
Vào lúc 14h, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá nhẫn tròn trơn lên 76,15 – 77,4 triệu đồng/lượng mua vào – bán ra, tăng 600.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.
Bảo Tín Minh Châu cũng điều chỉnh tăng giá vàng nhẫn lên mức 75,88 – 77,18 triệu đồng/lượng.
Lần đầu tiên, giá vàng nhẫn vượt vàng miếng SJC. Ảnh: Ngọc Mai
Trong khi đó, vàng miếng SJC tiếp tục đi ngang ở mức 75,48 – 76,98 triệu đồng/lượng mua vào – bán ra. Mức này duy trì trong một tháng qua, khi Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên giá bán can thiệp cho SJC và 4 ngân hàng quốc doanh ở mức 75,98 triệu đồng/lượng. Như vậy, đây là lần đầu tiên sau nhiều năm vàng nhẫn trong nước lên cao hơn so với vàng miếng SJC gần nửa triệu đồng/lượng (tùy doanh nghiệp).
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “Đây là một hiện tượng khá bất thường bởi vàng nhẫn không có tính thanh khoản cao như vàng miếng. Vàng miếng là loại vàng người dân đầu tư tiết kiệm để dành và có tính thanh khoản như tiền, bởi bất cứ khi nào cần tiền mặt, người dân có thể bán vàng hoán đổi ra tiền nhanh chóng”.
Tuy nhiên, tại thời điểm này, vàng miếng rất khó mua, kể cả khi Ngân hàng Nhà nước bán vàng qua 4 ngân hàng quốc doanh (Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank).
“Số lượng vàng bán ra rất hạn chế nên người dân không mua được vàng miếng nên chuyển sang mua vàng nhẫn. Điều này chứng tỏ nhu cầu về mua vàng của người dân rất lớn”, ông Hiếu nói.
Theo ông Hiếu, hiện thị trường vàng giống như quả bong bóng, bóp chỗ này sẽ lồi sang chỗ khác. “Nếu Ngân hàng nhà nước không đáp ứng sự thỏa mãn về vàng miếng, người dân sẽ chuyển sang mua vàng nhẫn để tích trữ. Chính điều này đã khiến vàng nhẫn tăng như những ngày gần đây và sẽ tiếp tục tăng nếu không có sự quản lý”, ông Hiếu cho hay.
Ông Hiếu cảnh báo, khi vàng nhẫn tăng đến mức có thể tác động đến nền kinh tế, nó sẽ khơi mào cho hiện tượng vàng hóa nền kinh tế.
Ông Huỳnh Trung Khánh – Phó Chủ tịch Hiệp hội vàng cho rằng, ngoài ảnh hưởng từ giá vàng thế giới, một nguyên nhân khác khiến giá vàng nhẫn tăng cao là mặt hàng không được Nhà nước quản lý. Điều này khiến giá vàng nhẫn tiến sát giá vàng miếng.
Tuy nhiên ông Khánh cho rằng, về lâu dài cơ quan chức năng phải cho phép nhập khẩu vàng làm nguyên liệu chế tác vàng nhẫn để tăng cung.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước chỉ độc quyền sản xuất vàng miếng. Việc kinh doanh vàng miếng theo điều kiện và phải được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán. Với vàng nhẫn, đơn vị này không quản lý.
Nhiều chuyên gia cũng khuyến nghị cơ quan chức năng nên xây dựng quy định rõ ràng về vàng nhẫn. Chẳng hạn như nếu coi vàng nhẫn là vàng trang sức thì cần quy định hàm lượng vàng nguyên chất phải dưới 75% hoặc 61%, tránh tình trạng lách luật, biến tướng. Mang danh vàng nhẫn nhưng tỷ lệ vàng nguyên chất lên đến hơn 99%.
Sau khi đã phân vai quản lý rõ ràng, điều cần làm tiếp theo là sự phối hợp giữa các bộ, ngành cùng quản lý thị trường vàng.
Ngọc Mai
Nguồn: https://tienphong.vn/hien-tuong-bat-thuong-khi-gia-vang-nhan-vuot-vang-mieng-sjc-post1654296.tpo