Trang chủ Tỷ giá USD ‘Đường đi’ của tỷ giá về cuối năm qua dự báo của...

‘Đường đi’ của tỷ giá về cuối năm qua dự báo của các công ty chứng khoán

3
0
Rate this post

Tỷ giá USD/ VND có tín hiệu hạ nhiệt trong tháng 7 khi chỉ số DXY đi xuống. Tuy nhiên, nhóm phân tích VDSC quan ngại về việc áp lực tỷ giá có thể tăng trở lại trong khoảng cuối quý III và đầu quý IV.
Chỉ số DXY đi xuống khi ông Trump tuyên bố chính sách làm suy yếu đồng USD

Một nhân tố mới nổi lên trong tháng qua đối với xu hướng đồng USD là chính sách làm suy yếu đồng USD mà cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ theo đuổi nếu ông trở lại Nhà Trắng vào năm tới. Chỉ số DXY đã thực sự giảm 1,4% trong tháng qua từ mức cao 105,9 còn 104,4 tại ngày 24/7.

“Đối với Trump và người đồng hành tranh cử vị trí Phó Tổng Thống (J.D. Vance), một đồng USD yếu là cần thiết để thúc đẩy sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh xuất khẩu của Mỹ”, nhóm phân tích Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định.

Tuy nhiên, quan điểm này đối mặt với sự hoài nghi của các nhà kinh tế và phân tích chính sách bởi một số lý do.

Thứ nhất, danh sách các chính sách kinh tế mà ông Trump đưa ra bao gồm tăng thuế đối với hàng nhập khẩu không chỉ từ Trung Quốc, cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và nới lỏng chính sách tài khóa cũng như thâm hụt ngân sách sẽ đưa đến hệ quả ngược lại với mục tiêu làm giảm giá trị đồng USD.

Mặt khác, nền kinh tế Mỹ về cơ bản vẫn là một nền kinh tế tăng trưởng dựa vào nhập khẩu và tiêu dùng, một đồng USD yếu có thể sẽ khiến cho lạm phát tăng trở lại, vốn cũng mâu thuẫn với chính sách kiềm chế lạm phát mà ông Trump đưa ra.

Cuối cùng, một chính sách đồng USD yếu sẽ cần đến sự can thiệp của chính sách tiền tệ và ảnh hưởng đến tính độc lập của Fed, cũng như đi ngược lại cam kết của khối G7 về tỷ giá hối đoái do thị trường quyết định. Trong khi đó, ông Trump tuyên bố sẽ để cho Jerome Powell làm hết nhiệm kỳ Chủ tịch Fed, phần nào phản ánh quan điểm duy trì sự độc lập của Fed ít nhất đến tháng 5/2026.

Tỷ giá USD/VND hạ nhiệt trong ngắn hạn, xu hướng nào cho cuối năm?

Trong tháng 7, với việc chỉ số DXY giảm, tỷ giá USD/VND đã hạ nhiệt ở cả hai thị trường chính thức và phi chính thức.

Cụ thể, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng giảm nhẹ 0,4% so với cuối tháng trước còn 25.356 đồng/USD tại ngày 24/7. Tỷ giá bán của VCB đi ngang trong tháng qua và vẫn giao dịch ở mức kịch trần của biên độ cho phép ở mức 25.478 đồng/USD.

Trong khi đó, tỷ giá thị trường tự do giảm từ mức cao kỷ lục 26.030 đồng/USD vào ngày 27/6 còn 25.740 đồng/USD, tương đương mức giảm khoảng 1,1% tại ngày 24/7.

Mặc dù tỷ giá đang có xu hướng hạ nhiệt, trong báo cáo thị trường tiền tệ mới nhất, VDSC vẫn bày tỏ quan ngại về việc áp lực tỷ giá có thể tăng trở lại trong khoảng cuối quý III và đầu quý IV.

Trong tháng qua, NHNN chỉ bán USD can thiệp một vài ngày đầu tháng với quy mô nhỏ. Điều này cho thấy áp lực cung-cầu ngoại tệ trong ngắn hạn là không cao, tuy nhiên, chúng tôi vẫn quan ngại về việc áp lực tỷ giá có thể tăng trở lại trong khoảng cuối quý III và đầu quý IV.

Chứng khoán Rồng Việt

Ở một góc nhìn khác, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng tỷ giá USD/VND sẽ dần ổn định trong nửa cuối năm. Nhóm phân tích KBSV chỉ ra rằng những dữ liệu kinh tế Mỹ như tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, đồng thời chỉ số CPI tháng 6 cho thấy mức giảm 0,1% so với tháng trước và tăng 3% so với cùng kỳ – mức thấp nhất trong 3 năm qua đã khiến kỳ vọng về việc FED cắt giảm lãi suất tăng mạnh.

“Theo CME, thị trường đang kỳ vọng FED sẽ hạ lãi suất vào tháng 9 với xác suất 95,3%, và có 3 đợt hạ trong năm nay. Bài phát biểu gần đây của chủ tịch FED về việc sẽ không chờ đợi lạm phát giảm xuống chính xác mức mục tiêu 2% mới bắt đầu cắt giảm lãi suất đã càng củng cố cho kịch bản này”, báo cáo của KBSV nhấn mạnh.

Với diễn biến mới của nền kinh tế Mỹ cũng như đà giảm mạnh của DXY trước kỳ vọng FED đẩy nhanh việc hạ lãi suất, chúng tôi cho rằng giai đoạn áp lực nhất của tỷ giá đã qua.

Chứng khoán KB Việt Nam

Bước sang quý III, KBSV cho rằng tỷ giá có thể còn có các biến động trồi sụt do nhu cầu nhập khẩu của doanh nghiệp dự báo vẫn ở mức cao, trước khi xu hướng hạ nhiệt sẽ rõ ràng hơn trong quý IV nhờ kỳ vọng nguồn ngoại tệ sẽ cải thiện khi mà xuất khẩu được đẩy mạnh, kiều hối đổ về song song với dòng tiền FDI. Theo đó, KBSV dự báo tỷ giá sẽ ổn định trở lại và mức tăng cả năm ở mức 3,5% so với đầu năm, tương ứng đạt 25.120 USD/VND.

Chứng khoán MB (MBS) trong một nhận định cuối tháng 6 cho rằng áp lực tỷ giá sẽ hạ nhiệt và dao động trong khoảng 25.100 – 25.300 VND/USD trong tháng 7 dưới những yếu tố tích cực như: Thặng dư thương mại tích cực, dòng vốn FDI và du lịch phục hồi mạnh mẽ. Nhìn xa hơn, MBS nhận định sự ổn định của môi trường vĩ mô nhiều khả năng sẽ được duy trì và cải thiện hơn nữa sẽ là cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm 2024.

Trong khi đó, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) kỳ vọng tỷ giá USD/VND sẽ duy trì mức cao cho tới khi Fed có tín hiệu cắt giảm lãi suất và giá vàng hạ nhiệt. Tuy nhiên, theo TPS, xuất siêu trở lại trong tháng 6 và chỉ số DXY đang hạ nhiệt dần cũng sẽ giảm bớt áp lực đáng kể đối với tỷ giá USD/VND trong thời gian tới.

Nguồn: https://doanhnhanvn.vn/duong-di-cua-ty-gia-ve-cuoi-nam-qua-du-bao-cua-cac-cong-ty-chung-khoan.html

Bài trướcVàng nhẫn 9999 giảm mạnh theo giá vàng thế giới
Bài tiếp theoGiá vàng nhẫn thủng mốc 77 triệu đồng/lượng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây