Theo khảo sát của thoibaonganhang.vn, tính đến 9h sáng nay (31/7), tỷ giá trung tâm giảm 2 đồng so với phiên trước. Tương tự, giá mua – bán USD tại nhiều ngân hàng được điều chỉnh giảm với biên độ phổ biến từ 4-20 đồng so với phiên trước.
Ngân hàng Nhà nước sáng nay niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.255 đồng, giảm 2 đồng so với phiên trước.
Sáng nay, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên niêm yết giá mua – bán USD ở mức 23.400 – 25.450 VND/USD.
Trong khi đó, giá mua – bán USD tại nhiều ngân hàng được điều chỉnh giảm với biên độ phổ biến từ 4-20 đồng so với phiên trước.
Cụ thể, tính đến 9h sáng nay, giá mua USD thấp nhất đang ở mức 25.060 VND/USD (thấp hơn 4 đồng), giá mua cao nhất đang ở mức 25.132 VND/USD (thấp hơn 11 đồng). Ở chiều bán ra, giá bán USD thấp nhất đang ở mức 25.440 VND/USD (thấp hơn 10 đồng), giá mua cao nhất đang ở mức 25.467 VND/USD (thấp hơn 2 đồng).
Chỉ số đô la Mỹ (DXY), đo lường biến động của bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF), hiện ở mức 104,40 điểm, giảm 0,03 điểm so với thời điểm mở cửa và đang trên đà giảm 1,3% so với đầu tháng.
Đồng yên dao động gần mức cao nhất trong 2 tháng rưỡi vào trước khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đưa ra quyết định chính sách quan trọng, trong đó nhiều khả năng cơ quan này sẽ công bố chi tiết kế hoạch thu hẹp chương trình mua trái phiếu khổng lồ và khả năng tăng lãi suất.
Bên cạnh đó, thị trường cũng hướng sự chú ý tới các thông tin kinh tế quan trọng khác sẽ được công bố trong hôm nay như: Dữ liệu chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) chính thức của Trung Quốc và dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Úc. Tiếp theo là số liệu lạm phát ở Pháp và khu vực đồng euro rộng lớn hơn; cùng với quyết định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đóng vai trò trung tâm thị trường.
Với nhiều sự kiện rủi ro trong phiên cuối tháng, thị trường tiền tệ khá trầm lắng vì các nhà đầu tư còn ngần ngại khi mở vị thế mới.
Tuy nhiên, đồng yên vẫn tăng nhẹ 0,23% lên mức 152,42 yên đổi một USD, sau khi tăng 0,8% trong phiên trước đó sau khi có tin tức cho biết BoJ đang cân nhắc tăng lãi suất ngắn hạn lên khoảng 0,25%.
Đồng tiền Nhật Bản có vẻ sẽ kết thúc tháng với mức tăng hơn 5% nhờ vào các đợt can thiệp của Tokyo và việc hủy bỏ các giao dịch chênh lệch tỷ giá bán khống đồng yên để chờ đợi kết quả cuộc họp của BoJ.
Gregor Hirt, CIO toàn cầu về tài sản đa dạng tại Allianz Global Investors cho biết: “Chúng tôi tin rằng BoJ có thể sẽ đạt được tiến triển đáng kể trong việc thoát khỏi chính sách nới lỏng tại cuộc họp vào tháng 7 bằng cách giảm mua trái phiếu và tăng lãi suất”.
“Việc tăng lãi suất có thể giúp ổn định mức giá hiện tại của đồng yên, trong khi việc không tăng lãi suất có thể gây ra áp lực bán mới do giao dịch chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản”, chuyên gia này cho hay.
Đồng euro tăng 0,08% lên 1,0824 USD và đang hướng tới mức tăng 0,95% trong tháng 7 nhờ đồng USD yếu đi.
Dữ liệu mới được Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố cho thấy trong quý 2 vừa qua, nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU) ghi nhận mức tăng trưởng khiêm tốn, trong đó Đức – nền kinh tế hàng đầu khu vực, vẫn trong tình trạng trì trệ.
Theo Eurostat, trong quý 2, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tại 20 quốc gia sử dụng đồng euro tăng trưởng khiêm tốn ở mức 0,3%, tương đương với quý 1 – quý đánh dấu mức tăng trưởng đầu tiên sau hơn một năm đình trệ.
Tại Đức, cuộc khủng hoảng kinh tế có thể sẽ kéo dài hơn dự đoán của giới chuyên gia. Văn phòng Thống kê Liên bang Đức công bố số liệu sơ bộ cho thấy, trong quý 2, nền kinh tế số một châu Âu suy giảm 0,1% so với quý trước đó.
Đồng bảng Anh tăng 0,05% lên mức 1,2843 USD và đang hướng tới mức tăng 1,5% so với đầu tháng.
Các nhà giao dịch đang theo dõi chặt chẽ quyết định chính sách của Fed – có khả năng là chất xúc tác chính của thị trường – với kỳ vọng các nhà hoạch định chính sách sẽ đặt nền tảng cho việc cắt giảm lãi suất vào tháng 9.
Thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu chu kỳ nới lỏng vào tháng 9, với mức cắt giảm khoảng 68 điểm cơ bản trong phần còn lại của năm.
Kỳ vọng về việc Fed sắp cắt giảm lãi suất đã ngăn chặn đà tăng của đồng bạc xanh, sau khi mức lãi suất cao hàng thập kỷ của Mỹ đã củng cố sức hấp dẫn của đồng bạc xanh trong phần lớn thời gian của 2 năm qua.
Ở những nơi khác, đồng đô la Úc giảm 0,57% xuống mức 0,6501 USD trước khi số liệu lạm phát của quốc gia này được công bố. Đồng tiền này đang hướng đến mức giảm 2% so với đầu tháng, mức giảm tệ nhất kể từ tháng 1.
Trong khi đó, đô la New Zealand tăng 0,09% lên 0,5908 USD, mặc dù cũng đang trên đà giảm hơn 3% so với đầu tháng.
Cả đồng đô la Úc và đô la New Zealand đều chịu sức ép giảm giá một phần do giá hàng hóa giảm và triển vọng kinh tế ảm đạm của Trung Quốc, vì hai đồng tiền này thường được dùng làm đại diện thanh khoản cho đồng nhân dân tệ.
Mới đây, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã ám chỉ rằng các biện pháp kích thích cần thiết để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm nay sẽ hướng đến người tiêu dùng, khác với chiến lược thường thấy của họ là đổ tiền vào các dự án cơ sở hạ tầng.
P.L
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/sang-317-ty-gia-trung-tam-giam-nhe-154099.html