Kể từ khi bứt phá trên mức 2.000 USD/ounce cuối năm 2023, vàng hiện đạt trên 2.500 USD/ounce và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Với đà này, giá vàng có thể sẽ tăng lên 2.700 USD/ounce vào giữa năm 2025 và 3.000 USD/ounce.
Ảnh minh họa
Bất ổn địa chính trị và nhu cầu của các NHTW
Động lực đầu tiên thúc đẩy giá vàng đến từ sự bất ổn ngày càng tăng trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu, với hai cuộc xung đột đang diễn ra ở châu Âu và Trung Đông. Những bất ổn địa chính trị này đã hỗ trợ hoạt động mua vàng như là kênh trú ẩn an toàn.
Cùng với sự mất giá của đồng nội tệ, đã có báo cáo trong ngành về việc các nhà đầu tư bán lẻ mua mạnh các sản phẩm vàng vật chất như vàng miếng và vàng cục để phòng ngừa bất ổn ngày càng tăng.
Yếu tố thứ 2 là phân bổ dự trữ mạnh vào vàng của các ngân hàng trung ương (NHTW) thị trường mới nổi (EM) và châu Á. Trong đó, Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của thế giới với việc phân bổ mạnh vào vàng.
Theo cập nhật của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), tính đến tháng 5, lượng vàng chính thức mà Trung Quốc nắm giữ hiện đã tăng lên khoảng 2.300 tấn, xấp xỉ đạt 5% tổng dự trữ. Đây là mức tăng khoảng 20% so với mức 1.900 tấn vào năm 2022. Một số báo cáo mới nhất cho thấy, NH Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã dừng mua vàng trong 2 tháng qua, vì giá tăng quá cao.
Điều đáng chú ý là lượng vàng trung bình mà các NHTW các thị trường mới nổi và châu Á nắm giữ chiếm ít hơn 5% bảng cân đối kế toán của họ, so với các NHTW thị trường phát triển (DM) và châu Âu – trung bình chiếm 10% hoặc hơn trong dự trữ của họ.
Ví dụ, Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) hiện nắm giữ khoảng 8.100 tấn vàng, khoảng 625 tỷ USD, tính theo giá giao ngay hiện tại khoảng 2.400 USD/ounce. Con số này chiếm khoảng 9% trong tổng bảng cân đối kế toán trị giá 7.200 tỷ USD của Hoa Kỳ.
Với rủi ro gia tăng về xung đột thương mại toàn cầu và các lệnh trừng phạt, các NHTW thị trường mới nổi và châu Á sẽ có động lực mạnh mẽ để bắt kịp các NHTW thị trường phát triển, từ đó phân bổ nhiều dự trữ hơn vào vàng.
Trên thực tế, một cuộc khảo sát gần đây của WGC về các NHTW toàn cầu đã kết luận rằng: Lý do chính khiến các NHTW thị trường mới nổi phân bổ nhiều hơn vào vàng, là vì vàng được coi miễn nhiễm với rủi ro thanh toán bằng USD và rủi ro trừng phạt.
Fed cắt giảm lãi suất, động lực tích cực cho đầu tư vàng
Trong bối cảnh lạm phát tại Hoa Kỳ đang giảm dần gần đây và thị trường việc làm tại Hoa Kỳ suy yếu, hiện có sự đồng thuận rằng Fed có thể sẽ bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất từ tháng 9 năm 2024.
Cụ thể, kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm 25 điểm cơ bản tại mỗi cuộc họp sắp tới của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang vào tháng 9 và tháng 12. Sau đó Fed sẽ cắt giảm 100 điểm cơ bản trong suốt năm 2025, với tốc độ 25 điểm cơ bản mỗi quý.
Trong bối cảnh thị trường toàn cầu biến động gần đây, kỳ vọng của thị trường đã hướng đến một mức cắt giảm lãi suất còn lớn hơn từ Fed. Chẳng hạn lợi suất trái phiếu kho bạc dài hạn đã giảm so với với lợi suất chuẩn trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ kỳ hạn 10 năm, từ 4,5% trong quý II xuống chỉ còn dưới 4% vào tháng 8.
Như vậy, nếu đợt cắt giảm lãi suất dự kiến của Fed tới đây, cùng với lợi suất trái phiếu dài hạn giảm, sẽ là động lực tích cực quan trọng cho giá vàng.
Không giống như các công cụ nợ hoặc đầu tư vốn chủ sở hữu khác, vàng không trả lãi suất hoặc cổ tức thường xuyên. Do đó, với lãi suất và lợi nhuận dài hạn lên tới 5% như trước đây, thì chi phí cơ hội khi đầu tư vào vàng là đáng kể.
Một biện pháp chính để các tổ chức mua vàng là thông qua các quỹ giao dịch trao đổi được hỗ trợ bằng vàng (ETF). Lượng nắm giữ của các ETF như vậy dự kiến sẽ tăng trở lại trong những tháng tới khi hoạt động mua của các tổ chức trở lại.
Công cụ đa dạng hóa danh mục đầu tư
Động lực chính thúc đẩy các nhà đầu tư phân bổ dài hạn, vì vàng là công cụ đa dạng hóa danh mục đầu tư rất mạnh và điều đó đã được chứng minh. Cụ thể, vàng là nơi trú ẩn tương đối ổn định trong đợt biến động mạnh gần đây trên thị trường toàn cầu, với việc tháo gỡ các giao dịch chênh lệch lãi suất đồng yên.
Bất chấp các biến động lan rộng và chuyển động lên xuống trong ngày của thị trường chứng khoán toàn cầu vào đầu tháng 8, giá vàng vẫn tương đối ổn định quanh mức 2.400 USD/ounce trước khi tăng mạnh hơn nữa lên mức 2.500 USD/ounce gần đây nhất.
Trong đợt biến động đầu tháng 8, biến động trong ba tháng của vàng cho thấy mức tăng vừa phải từ 14% lên 16%, ngay cả khi “thước đo nỗi sợ hãi” của thị trường chứng khoán, chỉ số S&P VIX, tăng vọt lên trên 60%. Với một số yếu tố thúc đẩy nhu cầu, vàng có thể đạt 2.700 USD vào giữa năm 2025.
Mặc dù có thể còn quá sớm để đánh giá, nhưng việc tăng thêm nữa trong dài hạn lên mức 3.000USD không phải là điều không thực tế.
2 yếu tố chính đã góp phần vào xu hướng giá vàng tăng kể từ cuối năm 2023, là nhu cầu trú ẩn an toàn trong bối cảnh bất ổn địa chính trị, và động thái mua mạnh của các ngân hàng trung ương. Dự kiến việc cắt giảm lãi suất toàn cầu là yếu tố thứ 3 thúc đẩy nhu cầu vàng trong những tháng tới.
HENG KOON HOW, Trưởng bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu của UOB
Nguồn: https://dttc.sggp.org.vn/trong-dai-han-vang-van-tiep-tuc-tang-post116636.html