Trang chủ Giá Vàng Vàng nhẫn ‘cháy hàng’, nguồn cơn nào khơi dậy cơn sốt?

Vàng nhẫn ‘cháy hàng’, nguồn cơn nào khơi dậy cơn sốt?

8
0
Rate this post

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, giá vàng nhẫn đang chịu tác động từ việc giá thế giới tăng mạnh, ngoài ra còn do yếu tố tâm lý, sự kỳ vọng của người tiêu dùng và tác động từ các chính sách trong nước…

Theo khảo sát ngày 20/10, công ty SJC niêm yết giá vàng nhẫn tròn 84 – 85,3 triệu đồng/lượng. Mức giá này đồng loạt tăng 350.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua vào – bán ra so với cuối phiên giao dịch ngày 19/10.

Giá vàng nhẫn tròn được công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết 84,58 – 85,58 triệu đồng/lượng mua vào – bán ra. Tập đoàn Doji nâng giá vàng nhẫn tròn lên mức 84,68 – 85,68 triệu đồng/lượng mua vào – bán ra. Hệ thống vàng Mi Hồng niêm yết giá vàng nhẫn tròn 85 – 85,6 triệu đồng/lượng.

Đây là phiên giao dịch tăng giá thứ 3 liên tiếp của giá vàng nhẫn tròn trong tuần này. Diễn biến tăng nhanh của giá vàng nhẫn đang tạo ra những cảm xúc trái chiều trong giới đầu tư. Có người vui mừng vì đã kịp tích trữ vàng, trong khi không ít người tiếc nuối vì đứng ngoài “cơn sốt” này.

Chị Hà (Thanh Xuân, Hà Nội) là một trong những người đã kịp “chốt lời” khi giá vàng nhẫn chạm mốc 77 triệu đồng/lượng vào đầu tháng 4. Với 5 chỉ vàng bán ra, chị lãi tới 15% so với giá mua, nhưng không ngờ rằng chỉ ít tháng sau, giá vàng nhẫn đã vượt ngưỡng 83 triệu đồng/lượng, khiến chị tiếc nuối vì đã không giữ lại lâu hơn.

Tương tự, anh Bình (Quốc Oai, Hà Nội) cũng từng bán 10 chỉ vàng vào giữa tháng 4 để chốt lời. Tuy nhiên, sau khi chứng kiến giá vàng tăng liên tục, anh không dám mua lại vì sợ rủi ro khi giá đang ở mức “đỉnh”. Việc vàng nhẫn chạm mốc 83 triệu đồng/lượng khiến anh bất ngờ, vì đây là mức giá cao chưa từng thấy.

Trong bối cảnh kinh tế biến động, nhiều nhà đầu tư đổ vào vàng như một kênh trú ẩn an toàn. Vàng, không giống như cổ phiếu hay trái phiếu, thường giữ vững giá trị trong mọi điều kiện kinh tế. Anh Đào Minh Hùng (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết mình may mắn khi đã mua được một lượng vàng nhẫn ở mức 70 triệu đồng/lượng, trước khi giá tăng vọt lên kỷ lục 83 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, việc mua vàng không hề dễ dàng, anh phải tìm đến cửa hàng thứ ba và đặt cọc trước một tuần mới có hàng.

Anh Hùng cũng chia sẻ rằng giá vàng nhẫn tại SJC và các thương hiệu tư nhân có sự chênh lệch đáng kể, với một số thương hiệu tư nhân bán cao hơn từ 300.000-500.000 đồng/lượng so với SJC.

CƠN SỐT VÀNG ĐẾN TỪ ĐÂU?

Giá vàng nhẫn tròn tăng xuất phát từ việc giá vàng thế giới neo cao. Trên thị trường quốc tế, giá kim loại quý này hiện giao dịch ở mức 2.721 USD/ounce. Diễn biến của giá vàng quốc tế gây bất ngờ đối với nhiều nhà đầu tư và cả giới phân tích.

Bởi trước đó, một số nhận định cho rằng giá vàng có thể điều chỉnh trong ngắn hạn về vùng 2.600 USD/ounce sau khi đã tăng liên tiếp trong thời gian dài. Đồng USD phục hồi mạnh trên thị trường quốc tế cũng gây sức ép giảm giá vàng trong ngắn hạn.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, diễn biến tăng mạnh của giá vàng thế giới trong thời gian gần đây được lý giải bởi một số nguyên nhân chính. Đầu tiên, chính sách nới lỏng tiền tệ quá mức của nhiều quốc gia sau đại dịch Covid-19 đã làm gia tăng lạm phát, khiến nhu cầu tìm kiếm kênh trú ẩn an toàn như vàng trở nên cấp thiết. Thêm vào đó, các bất ổn liên tiếp từ dịch bệnh đến xung đột địa chính trị đã thúc đẩy người dân và nhà đầu tư đổ tiền vào vàng để bảo vệ tài sản.

Bên cạnh đó, sự cạnh tranh địa chính trị toàn cầu đã khuyến khích xu hướng phi đô la Mỹ, dẫn đến việc một số quốc gia ưu tiên tích trữ vàng để cân đối dự trữ tài sản. Mức nợ công cao của Mỹ cũng góp phần làm suy giảm niềm tin vào đồng USD, tạo điều kiện cho vàng trở thành công cụ thay thế hấp dẫn.

Ngoài những yếu tố trên, còn nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến nhu cầu vàng, tiếp tục thúc đẩy giá kim loại quý này. Nhiều chuyên gia dự báo, nếu căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông và giữa Nga – Ukraine tiếp tục leo thang, giá vàng có thể vượt mốc 3.000 USD/ounce trong nửa đầu năm 2025.

Trong nước, đà tăng phi mã của giá vàng trong thời gian qua phản ánh rõ nhu cầu đầu tư vàng của người dân tăng cao, trong khi nguồn cung lại bị siết chặt bởi các biện pháp kiểm soát thị trường vàng của cơ quan chức năng.

Trước hết, hoạt động mua bán vàng miếng SJC không còn phản ánh sát cung cầu thực tế. Khi muốn giao dịch vàng miếng SJC, người dân phải thông qua các đơn vị được cấp phép và số lượng vàng miếng mua bán rất hạn chế, với thủ tục khá phức tạp.

Việc bán vàng miếng SJC chỉ được thực hiện qua các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước với số lượng nhỏ và thủ tục rườm rà, khiến người dân khó đáp ứng nhu cầu. Điều này dẫn đến sự chuyển dịch sang mua vàng nhẫn của một số thương hiệu tư nhân, nơi việc giao dịch thuận tiện hơn.

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm: “Vàng miếng đang được Ngân hàng Nhà nước điều tiết và có thể nói là thị trường khá ổn định nhưng chỉ ổn định một nửa. Tức là ổn định về giá. Còn thực tế thì trên thị trường không có nguồn cung, trong khi nguồn cầu rất cao. Thị trường vàng trong nước hiện giống như quả bóng, một đầu là vàng miếng, một đầu là vàng nhẫn, bóp đầu này thì sẽ phình đầu kia. Và đây cũng là một nguyên nhân đẩy giá vàng nhẫn tăng cao, thậm chí còn tiếp tục biến động mạnh hơn trong thời gian sắp tới”.

Bên cạnh đó, các kênh đầu tư khác vẫn chưa đủ sức hút. Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn “lình xình” quanh ngưỡng 1.300 điểm, thiếu sự ổn định và chưa có động lực tăng trưởng bền vững. Thị trường trái phiếu gặp khó khăn do quá trình điều chỉnh pháp lý, cần thời gian để chuẩn hóa, khiến nó chưa đủ hấp dẫn. Còn bất động sản, mặc dù có tiềm năng phục hồi, nhưng yêu cầu vốn đầu tư lớn, khiến nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ gặp khó khăn khi tiếp cận.

Với mức vốn đầu tư thấp hơn, vàng nổi lên như một lựa chọn phù hợp cho các nhà đầu tư cá nhân có tiền nhàn rỗi. Họ có thể dễ dàng đầu tư chỉ từ vài triệu đồng, nhưng vẫn có cơ hội sinh lời nhờ biến động giá vàng trong ngắn hạn. Chính vì thế, vàng, đặc biệt là vàng nhẫn, đang trở thành ưu tiên hàng đầu trong mắt nhiều nhà đầu tư.

CÓ NÊN MUA VÀNG NHẪN LÚC NÀY?

Trong bối cảnh giá vàng nhẫn tăng nóng, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), khuyến nghị người mua vàng cần phải tránh tâm lý đám đông. Nghĩa là đừng thấy giá vàng tăng mạnh, nhiều người mua cũng đổ xô đi mua, nhiều lúc ngay khi mua xong thì giá lại giảm mạnh.

Theo ông Hùng, người dân chỉ nên mua vàng trong những thời điểm giá trong và ngoài nước không biến động mạnh. Lúc ấy, thị trường vàng định hình mức giá tốt nhất. Nếu chẳng may sau khi mua, giá vàng sụt giảm thì sau một thời gian sẽ tăng trở lại. Sắp tới, Mỹ còn giảm thêm lãi suất, đồng USD tiếp tục giảm giá; nhiều quốc gia và giới đầu tư tài chính chưa dừng việc dự trữ vàng để phòng ngừa rủi ro. Do đó, giá vàng trong nước và thế giới có nhiều yếu tố hỗ trợ đi lên.

Đồng quan điểm, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, giá vàng đang ở đỉnh cao lịch sử, muốn mua vàng thì nên thận trọng. Trong trung và dài hạn, vàng có thể tiếp tục tăng giá. Vì vậy, nếu mua làm của để dành thì ổn, không nên tính mua “lướt sóng”.

Còn theo ý kiến của Chuyên gia vàng Trần Duy Phương, biến động của giá vàng nhẫn lâu nay thường phụ thuộc vào vào giá vàng thế giới. Khi giá vàng thế giới điều chỉnh giảm thì giá vàng trong nước cũng sẽ giảm theo. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới hiện khoảng 4-5 triệu đồng/lượng nên áp lực giảm theo khi vàng thế giới lao dốc là hợp lý. Chưa kể, giá vàng nhẫn tăng nóng khi nhà đầu tư sốt ruột muốn mua vào chờ giá tăng tiếp, vô hình trung tạo giá ảo và rủi ro.

“Người dân không nên mua vàng nếu không thật sự cần thiết. Những người đã mua vàng trước đây mà đã có lời cũng nên cân nhắc bán khi đã đạt lợi nhuận mong muốn. Mua vàng trong nước lúc này rất dễ “đu đỉnh” nếu giá thế giới đảo chiều lao dốc trong ngắn hạn”, ông Phương nói.

Trước đây, nhiều chuyên gia đã lên tiếng về những hạn chế của Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định 24), được ban hành hơn một thập kỷ trước, và cho rằng cần có sự điều chỉnh để phù hợp với thực tế.

Ngoài việc kiểm soát chặt chẽ vàng miếng SJC, Ngân hàng Nhà nước nên linh hoạt hơn trong việc điều hành hoạt động kinh doanh vàng của các cơ sở, tạo điều kiện cho vàng trong dân được lưu thông dễ dàng hơn, từ đó tăng cường nguồn cung cho thị trường. Việc giám sát nguồn gốc và cơ sở dữ liệu của người mua bán vàng cũng cần được điều chỉnh dựa trên tình hình thực tế, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến cung – cầu trong bối cảnh giá vàng đang biến động mạnh và Ngân hàng Nhà nước chưa can thiệp bằng cách nhập khẩu vàng.

Thời gian tới, khi tỷ giá ổn định và dòng tiền nước ngoài quay trở lại Việt Nam, sẽ là thời điểm thích hợp để Ngân hàng Nhà nước gia tăng dự trữ ngoại hối, bao gồm cả việc nhập khẩu vàng để ổn định thị trường trong nước. Đồng thời, việc sửa đổi Nghị định 24 là cần thiết để thị trường vàng có thể hoạt động bền vững hơn và phù hợp với bối cảnh kinh tế mới.

Ngọc Phượng

Nguồn: https://thuonggiaonline.vn/vang-nhan-chay-hang-nguon-con-nao-khoi-day-con-sot-post555441.html

Bài trướcCách nào để ghìm cương giá vàng nhẫn tăng dữ dội?
Bài tiếp theoVàng nhẫn tăng khoảng 2,4 triệu đồng/lượng sau một tuần

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây