Trong phiên giao dịch hôm nay (5/5), tính đến 11h giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,7% lên mức 3.261,59 USD/ounce. Giá vàng tương lai của Mỹ tăng 0,8%, chạm ngưỡng 3.269,60 USD/ounce.
Chỉ số USD (DXY) – thước đo sức mạnh đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt – giảm 0,3%, khiến kim loại quý hấp dẫn hơn với nhà đầu tư quốc tế.
Ông Tim Waterer – chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại KCM Trade – nhận định: “Đồng USD giảm trước thềm cuộc họp chính sách quan trọng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tuần này, tạo điều kiện để giá vàng tăng nhẹ”.
Chuyên gia khẳng định vàng có thể tiếp tục dao động trong vùng 3.200-3.350 USD/ounce, trừ khi thông tin đáng chú ý về tiến trình đàm phán thương mại ảnh hưởng giá vàng.
Thị trường đang chú ý tới cuộc họp của Fed, các bài phát biểu của quan chức Ngân hàng Trung ương Mỹ để có thêm manh mối về lộ trình chính sách tiền tệ. Sau số liệu báo cáo việc làm tháng 4 vượt kỳ vọng công bố cuối tuần, giới đầu tư nghiêng về khả năng Fed cắt giảm lãi suất khoảng 80 điểm cơ bản trong năm nay, bắt đầu từ tháng 7.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó tuyên bố ông không cách chức Chủ tịch Fed Jerome Powell cho đến khi Powell hết nhiệm kỳ vào tháng 5/2026, đồng thời tiếp tục kêu gọi Fed hạ lãi suất để hỗ trợ kinh tế.

Giá vàng thế giới tiếp tục tăng.
Về quan hệ thương mại, ông Trump cho biết Mỹ đang thảo luận với nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc, với mục tiêu đạt được thỏa thuận thương mại công bằng. Bất kỳ diễn biến mới nào từ các cuộc đàm phán này cũng có thể tạo sóng trên thị trường vàng.
Thị trường Trung Quốc đang đóng cửa nghỉ lễ Ngày Lao động từ ngày 1-5/5 và giao dịch trở lại vào thứ Ba (6/5).
Giá bạc giao ngay tăng 0,1%, lên 31,99 USD/ounce, bạch kim giảm 0,4%, còn 956,09 USD/ounce và palladium lùi nhẹ 0,1%, xuống 952,63 USD/ounce.
Về thị trường nhiên liệu, dầu Brent tương lai giảm mạnh 2,04 USD, tương đương 3,33% xuống còn 59,25 USD/thùng. Dầu thô WTI của Mỹ mất 2,1 USD, tương đương 3,60% còn 56,19 USD/thùng.
Giá dầu chịu tác động từ triển vọng nhu cầu năng lượng suy yếu do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, cùng với lo ngại khả năng nguồn cung dồi dào từ các nhà sản xuất lớn, trong đó có Mỹ.
Trạch Dương
Theo Reuters